Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tình trạng công chức viên chức nghỉ việc gia tăng được đề xuất chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tới đây

(Dân sinh) - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã đề xuất 6 nhóm vấn đề để chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 20/10.

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Quốc hội khóa XV

Cụ thể, đề xuất 6 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thuộc các lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

6 nhóm vấn đề chất vấn trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để chọn 5 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn. Sau đó, Đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến để quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tương ứng.

Nhóm vấn đề 1 thuộc lĩnh vực nội vụ gồm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức. Công tác tuyển dụng đào tạo bồi dưỡng đánh giá xử lý vi phạm của cán bộ, công chức và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực vị trí địa bàn đông dân cư chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế )... Việc đảm bảo biên chế cho ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy - học.

Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách...), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Nhóm vấn đề 2 thuộc lĩnh vực xây dựng gồm có thực trạng giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Quản lý thị trường bất động sản, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch huy động vốn kinh doanh bất động sản.

Công tác quy hoạch và xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng ban hành thực hiện các đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá nguyên vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Nhóm vấn đề 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Việc quản lý thuê bao đầu số của các nhà mạng, công tác kiểm tra quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Nhóm vấn đề 4 về lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhóm vấn đề 5 thuộc lĩnh vực thanh tra gồm nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa ngăn chặn vi phạm pháp luật, biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.

Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo trung lập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Nhóm vấn đề 6 thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp gồm việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp đảm bảo tiến độ chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội.

Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành và những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự, giải pháp khắc phục.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế, chương trình công tác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp.

Trong đó đề nghị, về thời gian bố trí phiên chất vấn: Theo công văn ngày 5/10/2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã báo cáo và nhận được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội về việc bố trí phiên chất vấn vào 3 ngày từ ngày 3 - 5/11/2022 để hoạt động chất vấn diễn ra liền mạch, không bị ngắt quãng.

Đáng chú ý, ngoài chương trình xây dựng luật, giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh cấp cao.

Cụ thể, tại kỳ họp Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn bổ nhiệm một số Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 

“Đến nay, công tác phục vụ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh… đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp”, ông Bùi Văn Cường cho hay.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 15/11/2022.

Ngoài những nội dung phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quy định và thông lệ, đề nghị vẫn giữ bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (cơ bản giữ như dự kiến chương trình gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội) do 03 nội dung này đã được truyền hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ 3.

Bên cạnh đó, bố trí thảo luận ở tổ và hội trường về Nghị quyết số 54/2017/QH14; Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.