Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phòng tránh dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, thời điểm này, tại một số địa phương ghi nhận sự gia tăng cục bộ của dịch sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết.

Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viên Thanh Nhàn.

Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viên Thanh Nhàn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn). Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Muỗi Aedes aegypti được gọi là “kẻ ăn ngày” vì thời gian muỗi “đi ăn” (đốt) sôi động nhất là sáng sớm và buổi chiều tà.

Virus Dengue không thể tự lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, một người bị nhiễm và đang mắc sốt xuất huyết Dengue có thể lây truyền cho các loại muỗi khác. Sau khoảng 1 tuần, muỗi mang mầm bệnh đó có thể lây truyền virus Dengue khi đốt người khác.

Hiện nay, sốt xuất huyết xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, cả thành thị và nông thôn. Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ thời gian nào chừng nào muỗi vẫn hoạt động. Độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh.

Virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, họ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm các chủng virus khác.

Sốt xuất huyết Dengue gây ra các triệu chứng giống như cúm và kéo dài từ 2 - 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 10 ngày sau khi một người bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao (40°C) và đi kèm ít nhất hai trong số các triệu chứng: Đau đầu; đau hốc mắt; buồn nôn, nôn; nổi hạch; đau xương, khớp hoặc cơ; phát ban, nổi mẩn ngứa.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3 - 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Lúc này, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục mà cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn.

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để tránh dẫn tới: Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không; chảy máu nặng; tổn thương tạng nặng. Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%.

Theo WHO, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue. Người bệnh cần được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi và uống nhiều nước; có thể dùng thuốc thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp. Tuy nhiên, không dùng aspirin hoặc ibuprofen bởi vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Muỗi Dengue đẻ trứng ở các lu/vại/thùng chứa nước bên trong nhà và các khu vực xung quanh nơi ở (bao gồm chai lọ, lọ hoa, thùng/xô/chậu/bình, rác thải, lốp hỏng… chứa nước đọng).

Trứng muỗi nở khi gặp nước. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng.

Muỗi trưởng thành “thường” đậu trong nhà ở các xó tối (phòng đựng đồ, dưới gầm giường, sau rèm cửa). Tại các khu vực này, muỗi không bị gió, mưa và kẻ thù của chúng tiêu diệt, khiến vòng đời và cơ hội sống của chúng đủ dài để chúng mang mầm bệnh truyền từ người này sang người khác.

WHO nhấn mạnh, chìa khóa để phòng, chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng. Khi mọi gia đình có ý thức làm giảm mật độ các vật trung gian gây bệnh, thì tỷ lệ lây truyền bệnh sẽ giảm hoặc thậm chí được ngăn chặn.

WHO cũng đưa ra các khuyến cáo tốt nhất để bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt như: Mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi; lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận trên 52.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 74,9% và số tử vong tăng 24 trường hợp. Bộ Y tế cảnh báo, hiện là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo thời gian tới, số mắc tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.