Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tọa đàm Pháp luật với doanh nghiệp

Ngày 17/11/2022, tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra buổi Tọa đàm Pháp luật với doanh nghiệp do Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp phối hợp với Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Việt – Trung và Công ty Luật Tuyên Thụy và cộng sự tổ chức. Buổi Tọa đàm còn có sự tham gia, đối thoại, chia sẻ của 150 doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh với 4 chuyên đề về các lĩnh vực pháp luật.

Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Tọa đàm không chỉ là thông tin từ phía các diễn giả, luật sư, trọng tài viên đưa ra, chia sẻ mà còn là thông tin, thảo luận đa chiều từ phía các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Empty

Đại diện lãnh đạo tỉnh và sở ngành

Luật sư Đỗ Quốc Quyền, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Việt – Trung cho rằng, vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp, quản trị tài chính, kế toán, thuế… đều là những nội dung rất quan trọng để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật sư Quyền thì nhiều doanh nghiệp thường vướng vào sai sót như: Công tác kế toán thường rất chậm, việc tuyển dụng và bổ nhiệm các chức danh không đúng quy định, nhiều doanh nghiệp duy trì 2 hệ thống sổ sách kế toán, nhiều doanh nghiệp không xây dựng hoặc xây dựng không đúng định mức chi phí sản xuất không đảm bảo, không cân đối được sự phù hợp giữa doanh thu – chi phí, đã hoạch toán nhiều chi phí không tương ứng với doanh thu. 

TS. Hoàng Ngọc Giao, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Việt – Trung trình bày về chuyên đề “Ứng phó với tranh chấp phát sinh trong đầu tư kinh doanh và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”. Theo đó, chuyên đề đã đề cập về nội dung hợp đồng – thương mại; vai trò của luật khi áp dụng soạn thảo, ký kết hợp đồng. Trong đó, khi tranh tụng trước Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại, nguyên đơn và bị đơn với sự hỗ trợ của luật sư thường đối chiếu các quy định của hợp đồng với các văn bản luật liên quan nhằm tìm ra những điều khoản trái luật, vi phạm điều cấm của luật để bảo vệ cho lợi ích của mình. Không ít trường hợp hướng tới đề nghị Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại tuyên hủy hợp đồng do hợp đồng bị coi là vô hiệu. Tòa án hay Trọng tài Thương mại cũng soi xét như vậy đối với các điều khoản của hợp đồng, chiếu theo các quy định pháp luật liên quan. Thông thường, hợp đồng giao kết trong lĩnh vực nào (thương mại hàng hóa, xây dựng hay logistics, v.v.) thì cần tham chiếu các văn bản liên quan trong lĩnh vực đó.

TS. Hoàng Ngọc Giao cũng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp, khi đàm phán ký kết phần nội dung thương mại của hợp đồng như: cách tính giá cả phải rõ ràng, phương thức, thời gian, địa điểm giao hàng…phải cụ thể. Thêm vào đó, khi đàm phán ký kết phần nội dung pháp lý của hợp đồng thì đối tác phải đáp ứng đủ yêu cầu: Tư cách pháp nhân phải rõ ràng, đủ năng lực hành vi dân sự khi thực hiện hợp đồng. 

Chuyên đề 3 “Doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư” được Luật sư Trần Thị Hoàng Oanh Trưởng, Văn phòng Luật sư Vĩnh An – Jeff Leong, Poon&Wong chia sẻ thêm về Hợp đồng xuất nhập khẩu bao gồm các điều khoản chủ yếu và các rủi ro phát sinh từ các điều khoản Hợp đồng trong thực tế, chủ yếu là các điều khoản về giao hàng, chuyển giao quyền sở hữu và rủi ro đối với hàng hóa, điều khoản về bất khả kháng và điều khoản về hoàn cảnh cơ bản thay đổi.

Chuyên đề 4 “Doanh nghiệp và đất đai” do Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết những nhu cầu và vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai và duy trì sự ổn định trong quá trình sử dụng đất để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh... 

a2

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo đại biểu, chuyên gia.

Cũng tại buổi tọa đàm này, rất nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp cũng đã được các Luật sư, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế - Việt Trung giải đáp.