Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Toàn thế giới ghi nhận tổng cộng gần 524 triệu ca nhiễm COVID-19

Đến 6h ngày 18/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 523.698.150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.292.140 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 785.910 và 1.347 ca tử vong mới.

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 523.698.150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.292.140 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 785.910 và 1.347 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 493.608.979 người, 23.797.031 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.850 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 82.591 ca; Australia đứng thứ hai với 67.650 ca; tiếp theo là Pháp (43.727 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 167 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 176 ca và Brazil 160 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.402.969 người, trong đó có 1.027.066 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.127.032 ca nhiễm, bao gồm 524.260 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.728.286 ca bệnh và 665.216 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 194,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 151,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,8 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8 triệu ca nhiễm.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, hành khách sẽ vẫn bị yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay của Đức ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh COVID-19 đối với du khách. Cho đến nay, giới chức Đức chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các chuyến bay dù EU đã đưa ra hướng dẫn mới liên quan đến các quy định phòng chống dịch. Vì vậy, hành khách bay đến và đi từ Đức vẫn phải đeo khẩu trang khi lên, xuống máy bay và trong suốt hành trình bay.

Ngoài máy bay, đến nay Chính phủ Đức thông báo giới chức nước này chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng khác trong tương lai gần.

Đức vẫn duy trì quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. (Ảnh: AP)

Đức vẫn duy trì quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. (Ảnh: AP)

 

Bộ Y tế Israel ngày 16/5 thông báo, kể từ 0h ngày 20/5, Israel sẽ bãi bỏ quy định xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 khi nhập cảnh nước này đối với mọi hành khách đến từ tất cả các quốc gia bằng đường hàng không, đường bộ hoặc đường biển. Tuy nhiên, người nhập cảnh qua đường hàng không vẫn phải khai báo y tế trước khi lên máy bay.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến nay, Israel đã có tổng cộng trên 4,1 triệu ca mắc, trong đó hiện chỉ còn gần 15.500 ca đang được điều trị. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Israel đến nay là 10.805. Trong tuần qua, tại nước này có 10 ca tử vong liên quan đến COVID-19, giảm 63% so với tuần trước đó.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 17/5 cho biết, trong 24 giờ qua, đã có thêm 6 người tử vong, nâng số trường hợp tử vong vì sốt ở Triều Tiên lên 56. Triều Tiên cũng ghi nhận gần 1,5 triệu ca sốt và trên 660.000 người đang được điều trị. Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, Triều Tiên đã huy động quân đội phân phát thuốc và triển khai hơn 10.000 nhân viên y tế nhằm truy vết các trường hợp lây nhiễm. Để người dân có thể mua thuốc bất cứ lúc nào, nhiều cửa hàng thuốc ở Triều Tiên đã mở cửa 24/24 giờ.

Từ ngày 17/5, 35.000 trường học ở Thái Lan đã chính thức mở cửa trở lại sau 2 năm chủ yếu tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các trường học đã bố trí các khu vực sàng lọc, kịp thời cách ly học sinh có triệu chứng và nguy cơ cao, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó để tiếp tục mở cửa trường học ngay cả khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong lớp học. Học sinh đã tiêm chủng đầy đủ, mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn có thể đến trường. Bộ Y tế công cộng Thái Lan khẳng định sẽ không đóng cửa trường học, lớp học dù phát hiện các ca lây nhiễm trong học sinh, sinh viên.

WHO trước đó cho biết Triều Tiên vẫn chưa thông báo chính thức về đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nước này.

Du khách đã tiêm phòng COVID-19 không cần cách ly, không cần xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Campuchia. (Ảnh: AP)

Du khách đã tiêm phòng COVID-19 không cần cách ly, không cần xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Campuchia. (Ảnh: AP)

 

Tính đến ngày 16/5, khoảng 93,79% trong tổng số dân 16 triệu người của Campuchia đã được tiêm các mũi vaccine cơ bản phòng COVID-19, trong đó khoảng 9 triệu người đã tiêm mũi thứ 3 và 2,2 triệu người đã tiêm mũi thứ 4. Trong 10 ngày gần đây nhất, Campuchia không phát hiện ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Campuchia kể từ đầu dịch đến nay là 136,262 ca và 3.056 người thiệt mạng. Campuchia phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại tỉnh Preah Sihanouk hồi cuối tháng 1/2020.

Ngày 17/5, Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành "du lịch thử nghiệm" dưới hình thức các tour du lịch trọn gói giới hạn vào tháng 5 trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch. Mặc dù du lịch là một trụ cột chính của nền kinh tế Nhật Bản, khách du lịch quốc tế không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản kể từ khi nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.

Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết hôm 17/5 rằng họ sẽ bắt đầu cho phép các tour du lịch theo nhóm nhỏ nhập cảnh từ cuối tháng 5 này. Đây được coi như "trường hợp thử nghiệm" để thu thập thông tin trước khi nước này tiếp tục mở rộng hoạt động du lịch rộng rãi hơn vào một ngày chưa được xác định trong thời gian tới.

Ngày 17/5, giới chức y tế Thượng Hải cho biết, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc này đã đạt mục tiêu cắt đứt chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại toàn bộ 16 quận trên địa bàn, Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải Zhao Dandan nêu rõ: "Toàn bộ 16 quận của Thượng Hải đã đạt mục tiêu Không COVID trong cộng đồng".

Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới. Làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 lan rộng ở Thượng Hải đã khiến thành phố này phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và những biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các loại vaccine cúm cũng có khả năng phòng COVID-19, đặc biệt là những thể nặng nhất, nhưng tác dụng này có thể không kéo dài. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 30.000 nhân viên y tế tại Qatar cho thấy, so với những người chưa tiêm phòng cúm, những người đã tiêm vaccine cúm được bảo vệ gần 90% trước nguy cơ mắc COVID-19 nặng trong những tháng tiếp theo. Nghiên cứu được tiến hành vào cuối năm 2020 trước khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối ra thị trường và củng cố những kết luận trước đó rằng việc tăng cường hệ miễn dịch sử dụng vaccine cúm và các vaccine khác có thể giúp cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2.