Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tôn vinh 64 bông hoa “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020”

(Dân sinh) - Phát biểu tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức tối 28/12 tại Hà Nội, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật.

Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực

Phát biểu khai mạc chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động từ năm 2013, thông qua sự kiện diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic đến giao lưu cùng thanh niên Việt Nam. Chương trình nhằm mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Thông điệp "Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực" của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, đến từng cơ sở Hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người.

Tôn vinh 64 bông hoa “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng hoa động viên thanh niên khuyết tật được tôn vinh tại chương trình.

"Là người bạn đồng hành tin cậy của thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp đã triển khai có trách nhiệm, có chiều sâu và hiệu quả chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt, thông qua nhiều hình thức nhằm đồng hành, chia sẻ cùng các bạn thanh niên khuyết tật như các mô hình hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, giao lưu, kết nghĩa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ tay nghề, hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm, kinh doanh, hôn nhân gia đình…", anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, 64 thanh niên được tôn vinh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2020 là những thanh niên khuyết tật tiêu biểu vượt qua bản thân để vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các bạn còn là động lực, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người cùng hoàn cảnh và cho cả những thanh niên không giống các bạn.

"Các bạn đã giữ vững quyết tâm, ý chí và nghị lực để vượt qua các giới hạn bình thường của bản thân mình, viết nên câu chuyện của đời mình, theo cách riêng của mình. Chúng tôi hiểu và tin các bạn sẽ không bao giờ cam phận cúi nhìn xuống nơi mình đang đứng; những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau và tổn thương trong cuộc sống sẽ không đủ để khuất phục các bạn. Sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của các bạn là tính cách của những trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước", anh Tuấn xúc động nói.

Đồng thời, anh Tuấn cho biết: "T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các lực lượng xã hội khác sẽ làm hết sức mình để đồng hành cùng các bạn trên mọi nẻo đường, mọi sự chọn lựa của các bạn sẽ luôn có chúng tôi cạnh bên. Các bạn hãy luôn luôn tự tin và nuôi dưỡng nghị lực phi thường, hãy sống cuộc đời của mình một cách đầy ý nghĩa".

Từng bước tháo gỡ khó khăn để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng trên 2 triệu thanh niên khuyết tật. Do tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng.

Tôn vinh 64 bông hoa “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020” - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Anh Tuấn chúc mừng các thanh niên khuyết tật được tôn vinh.

"Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật bằng việc huy động trách nhiệm cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của xã hội trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song so với nhu cầu của người khuyết tật, thanh niên khuyết tật và đòi hỏi của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước", Bộ trưởng đánh giá.

Hiện đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật, thanh niên khuyết tật còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội còn thấp. Vẫn còn người khuyết tật, thanh niên khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm…. Các trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật còn thiếu. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho chuyên ngành phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập còn rất khó khăn…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nhìn lại những hạn chế, thách thức đó để thấy rằng cần nhiều hơn nữa quyết tâm và nỗ lực hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên con đường đồng hành với người khuyết tật, thanh niên khuyết tật. "Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm và tình cảm, chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, giảm bớt rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

64 gương mặt là 64 câu chuyện đẹp vượt qua nghịch cảnh

64 gương mặt được vinh danh là 64 câu chuyện đẹp vượt qua nghịch cảnh. Người ta ví họ như những "vầng trăng khuyết" với trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước trước khó khăn, truyền cảm hứng đến người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

Xuất hiện trên sân khấu với vai trò MC là gương mặt rất xinh đẹp - cô gái Lê Hương Giang bị khuyết tật mắt bẩm sinh, vượt qua bóng tối cuộc đời, cô trở thành người dẫn chương trình tài năng của Đài truyền hình Việt Nam. Đứng trên sân khấu "Tỏa sáng nghị lực Việt", nữ MC bộc bạch: "Có người cho rằng cuộc sống của Hương Giang chỉ sống trong bóng tối, nhưng tôi tin tôi sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình".

Hoa khôi Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng mất đi một chân sau tai nạn, không gục ngã trước nghịch cảnh, chị đứng lên bằng một chân còn lại với nghị lực sống mạnh mẽ, múa hát, khởi nghiệp, góp sức cho cộng đồng.

Tại đêm hội, nữ nhà văn Trần Trà My xuất hiện vô cùng rạng rỡ. Chỉ cao hơn 1,3m, đi lại nói năng rất khó khăn, cô gái khuyết tật đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị một mình vào TP.HCM để "tự đứng bằng đôi chân của mình". Hay tấm gương anh Lê Thanh Tùng đến từ Yên Bái vượt qua khiếm khuyết về thể chất, hăng say lao động và hỗ trợ nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thủy Tiên, người con của quê hương xứ Nẫu (Phú Yên), bị co rút tứ chi, nhưng chị đã tìm thấy niềm tin, sự lạc quan, yêu đời, thắp lên hi vọng từ những vần thơ…