Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

(Dân sinh) - Ngày 10/9/2020, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng; các Phó Tổng cục trưởng: Đỗ Năng Khánh, Nguyễn Thị Việt Hương; thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục.


Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong giai đoạn này, giáo dục nghề nghiệp của các trường thuộc Tổng Liên đoàn Lao động có nhiều khởi sắc, thể hiện kết quả tuyển sinh ước đạt 346.042 người (cao đẳng: 2.156 người; trung cấp: 28.394 người; sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên: 294.270 người), đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 48% so với giai đoạn 2011 - 2015. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động gồm 28 đơn vị. Theo kế hoạch sắp xếp và cơ cấu lại các trường thì có tới 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc diện giải thể, giải thể chuyển đổi. 16 đơn vị còn lại gồm3 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp và 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện tiếp tục duy trì hoạt động.

Đại biểu tham dự buổi làm việc đã có nhiều ý kiến góp ý về triển khai đề án chuyển đổi việc làm cho công đoàn viên lao động và kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Để triển khai đề án này cần xác định một cách cụ thể quy mô đối tượng công đoàn viên lao động cần chuyển đổi nghề, xu hướng những ngành nghề nào cần chuyển đổi và những giải pháp triển khai đào tạo đáp ứng được xu hướng chuyển đổi theo chiều ngang, tức chuyển đổi từ ngành nghề này sang ngành nghề khác và chuyển đổi theo chiều dọc, tức nâng cao trình độ trong cùng một nghề. Về kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp 5 năm, bên cạnh các nội dung về đầu tư trang thiết bị cần phải tính đến công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp…

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề lớn mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng tới rất quan trọng. Trước hết là chính sách về đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, điều này cần được thể hiện cụ thể hóa, sát với thực tiễn trong đề án chuyển đổi nghề cho người lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau đó là chính sách sắp xếp lại mạng lưới và đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, sắp xếp lại 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc, tuy nhiên song song với việc sắp xếp lại mạng lưới là cơ cấu lại đầu tư cho các trường. Tới đây, vấn đề chuyển đổi mô hình hoạt động, cơ chế tài chính của các trường là điều rất quan trọng. Tổng cục trưởng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung quan tâm trước hết về công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh, người lao động, doanh nghiệp về học nghề, trong đó đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là nội dung hết sức quan trọng; tập trung vào công tác đào tạo đáp ứng theo nhu cầu đối với cả hai phía người lao động và doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và quan tâm bồi dưỡng phát triển đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc sau khi tái sắp xếp, cơ cấu lại.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc đào tạo, đào tạo lại, làm tốt công tác giáo dục nghề nghiệp cho công nhân viên chức lao động  toàn quốc là việc quan trọng, góp phần vào sự nghiệp chung về đào tạo nguồn nhân lực đất nước. Trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quan tâm và có nhiều giải pháp mạnh mẽ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc để nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục nghề nghiệp. 

Phó Chủ tịch Phan Anh Văn nhấn mạnh trong thời gian tới Tổng Liên đoàn Lao động sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp với một số nội dung lớn như sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo của các trường, lên phương án cụ thể đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao năng lực của đội ngũ và tiến tới nâng dần tính tự chủ của các cơ sở đào tạo. Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với sự quyết tâm và nhiều giải pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ công nhân viên chức lao động.