Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng Giám đốc UNESCO tham quan, khảo sát di sản Huế

Sáng 7/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cùng đoàn công tác đã đến tham quan, khảo sát các địa điểm thuộc Quần thể di tích Cô đô Huế (Di sản văn hoá thế giới).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (giơ tay) chào đón Tổng Giám đốc UNESCO đến tham quan khu di sản Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (giơ tay) chào đón Tổng Giám đốc UNESCO đến tham quan khu di sản Huế

Tại khu vực Cửa Ngọ Môn - Đại Nội Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành, đơn vị của Thừa Thiên Huế đã đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO và phái đoàn một cách trọng thể. Sau đó, bà Audrey Azoulay cùng đoàn công tác đã được thưởng thức tiết mục trống và chương trình tái hiện Lễ đổi gác của triều Nguyễn xưa từ Lầu Ngũ Phụng. 

Đoàn cũng đã tham quan một số công trình kiến trúc trong Đại Nội Huế, như: Lầu Ngũ Phụng, Điện Thái Hòa, Thế Miếu,... Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển đến thăm cung An Định và thưởng thức chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả về kỹ thuật, tài chính cũng như vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế từ UNESCO trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Điều quan trọng là, công cuộc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tại cố đô Huế đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. 

Quy trình bảo tồn, trùng tu di tích rất nghiêm ngặt, đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế. Hầu hết các di tích được thường xuyên bảo quản bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa, .v.v. nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ. Sau gần 30 năm được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới (từ năm 1993), hơn 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ với hơn 2.000 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường, điện chiếu sáng trong các khu vực di tích được tập trung chỉnh trang sạch đẹp, gọn gàng.

Thừa Thiên Huế đã di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ các di tích. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, tỉnh đang thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - hợp phần di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, sẽ thực hiện di dời hơn 4.914 hộ dân (giai đoạn 1); đến nay đã di dời được hơn 3.000 hộ.

Bà Audrey Azoulay cùng phái đoàn UNESCO thưởng thức chương trình tái hiện Lễ đổi gác của triều Nguyễn xưa từ Lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn

Bà Audrey Azoulay cùng phái đoàn UNESCO thưởng thức chương trình tái hiện Lễ đổi gác của triều Nguyễn xưa từ Lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam (1993), Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Giám đốc UNESCO đến Việt Nam và dành khoảng thời gian đặc biệt để đến thăm tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dấu mốc quan trọng trước thềm kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định thời gian qua, tỉnh luôn được xây dựng và phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác từ phía UNESCO trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa di sản của vùng đất Cố đô trong thời gian đến.

Bà Audrey Azoulay vui mừng khi lần đầu tiên được đến Huế thăm Quần thể di tích Cố đô Huế. Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao những nổ lực mà tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang cố gắng tôn tạo, gìn giữ những giá trị di sản đã được xây dựng lên. 

Trong ngày đến tham quan khu di sản Huế, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay được thưởng thức thêm một đặc sản nữa của vùng đất Cố đô, đó là mua Huế

Trong ngày đến tham quan khu di sản Huế, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay được thưởng thức thêm một "đặc sản" nữa của vùng đất Cố đô, đó là mua Huế

Tổng giám đốc UNESCO cũng nhấn mạnh, thành phố Huế là nơi đầu tiên được xếp bằng di sản thế giới sau khi Việt Mam gia nhập UNESCO. Với những di sản, hiểu biết của những người thợ đã làm nên việc này là vô cùng quý giá cần phải trao truyền cho thế hệ mai sau. Trong đó, công tác phục dựng, phát huy và bảo tồn di sản Huế phải được diễn ra mãi mãi, qua nhiều thế hệ và luôn trong tình trạng tốt nhất. 

Tổng giám đốc UNESCO khẳng định, chọn đến Huế trong chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam là để Thừa Thiên Huế thấy rằng UNESCO rất quan tâm đến nơi này và UNESCO sẽ đồng hành cùng Thừa Thiên Huế để bảo toàn và phát huy giá trị di sản của Huế. UNESCO không những giúp đỡ Huế trong lĩnh vực kỹ thuật, đôi khi còn có cả lĩnh vực tài chính.

“Chúng tôi luôn quý mến Huế và sẽ cùng đồng hành, phát triển với Huế. Tôi ngưỡng mộ đất nước Việt Nam, một đất nước gìn giữ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm văn hiến của mình” - Bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.