Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP HCM: Chủ đầu tư đề xuất lắp trạm thu phí tự động không dừng trên tuyến song hành xa lộ Hà Nội

Bên cạnh việc hoàn thành hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên tuyến chính, chủ đầu tư còn đề xuất lắp đặt mới các làn ETC trên đường song hành tại BOT xa lộ Hà Nội.

Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội. Nguồn: Đầu tư

Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội. Nguồn: Đầu tư

Báo Đầu tư đưa tin, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM vừa báo cáo UBND Thành phố về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại trạm BOT xa lộ Hà Nội. Dự án này do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư.

Theo đó, Trạm BOT xa lộ Hà Nội có 16 làn (mỗi hướng 8 làn). Hiện nhà đầu tư dự án đã nâng cấp 8 làn thu phí thủ công thành làn thu phí ETC. 

Mới đây, nhà đầu tư tiếp tục đề xuất đầu tư thêm 12 làn, trong đó 8 làn ETC còn lại trên tuyến chính và lắp đặt mới 4 làn ETC trên đường song hành.

Cụ thể, CII đề xuất đầu tư bổ sung tại phân Trạm A (trên đường chính, hướng xe từ Đồng Nai đi vào trung tâm TP) nâng cấp 3 làn thu phí thủ công (MTC) thành các làn thu phí tự động (ETC) cho xe cơ giới và 1 làn MTC thành làn thu phí hỗn hợp (ETC + MTC) cho làn xe quá khổ quá tải.

Phân Trạm D (trên đường chính, hướng xe từ trung tâm TP đi Đồng Nai) cũng lắp đặt tương tự như phân Trạm A.

Tại phân Trạm E (trên đường song hành phải) lắp đặt mới 2 làn thu phí hỗn hợp (ETC + MTC) và lắp tương tự đối với phân Trạm F (trên đường song hành trái). 

Nhà đầu tư cũng đề xuất tổng chi phí đầu tư khoảng 42 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng phí của Dự án BOT Xa lộ Hà Nội.

Theo báo Pháp luật TP HCM, qua rà soát, Sở GTVT TP HCM nhận thấy đối với việc nâng cấp 8 làn thu phí tự động trên tuyến là cần thiết. Song đối với việc lắp đặt mới 4 làn thu phí điện tử không dừng trên đường song hành, Sở GTVT TP HCM cho rằng phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT Xa lộ Hà Nội chưa đề cập đến việc thu phí sử dụng đường bộ đường song hành. Đồng thời, UBND TP Thủ Đức chưa có ý kiến về việc lắp đặt trạm thu phí trên đường song hành.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lắp đặt thu phí điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM, trước mắt cần tập trung đầu tư nâng cấp 8 làn thu phí điện tử tự động không dừng còn lại trên trục đường chính.

Đối với việc lắp đặt trạm thu phí điện tử không dừng trên đường song hành, trên cơ sở ý kiến của UBND TP Thủ Đức, nhà đầu tư cần tiếp tục rà soát làm rõ căn cứ pháp lý của đề xuất nêu trên để làm cơ sở triển khai theo quy định.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM, Sở GTVT TP đề nghị UBND TP HCM xem xét, thống nhất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng trên tuyến chính xa lộ Hà Nội.

Việc đầu tư nâng cấp 8 làn thu phí điện tử tự động không dừng còn lại trên tuyến chính xa lộ Hà Nội (giai đoạn 3) sẽ được điều chỉnh, bổ sung vào dự án đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội.

Sở GTVT TP HCM cho biết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, yêu cầu công việc lập thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở và điều chỉnh dự án đầu tư được thực hiện, do đó chủ đầu tư cần hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh trình Sở GTVT TP HCM xem xét, thẩm định. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét.

Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7km được triển khai từ năm 2010. Dự án có quy mô mở rộng mặt đường cũ từ 4 làn xe lên 12 đến 16 làn xe; xây dựng mới hai đường song hành hai bên đường chính, mỗi đường rộng trung bình 12m...

Tổng vốn đầu tư 4.905 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ thu phí 17 năm 9 tháng để hoàn vốn cho dự án. Từ 1/4/2021, Trạm BOT xa lộ Hà Nội bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho dự án. 

Dự án này đã cơ bản hoàn thành 100% trục đường chính, còn hạng mục đường song hành chưa hoàn thành vì vướng mặt bằng và vướng hạ tầng các công trình như metro, vệ sinh môi trường…