Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. HCM: Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và chăm lo cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp

(Dân sinh) - Chiều 1/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. HCM có buổi gặp gỡ, trao đổi với đại diện các quận huyện về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn.

Tại hội nghị, ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP. HCM xảy ra 8 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể (giảm 1 vụ so với cùng kỳ) với tổng số người tham gia là hơn 4.160 người.

Đa số các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công xảy ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 6 cuộc. Nguyên nhân trực tiếp là do quyền và lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo, như việc tăng lương hàng năm, chất lượng bữa ăn ca, giờ làm việc và nghỉ ngơi; các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật về lao động, chậm thanh toán tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Về một số giải pháp, nhiều ý kiến đều cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh, khi đó mới đảm bảo tốt các chế độ cho người lao động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, và tiến bộ trong tình hình mới. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có chăm lo, hỗ trợ thiết thực.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề và người lao động gặp khó khăn, thậm chí ngưng việc, thất nghiệp.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể vẫn diễn biến khó lường, nhất là trong dịp trước, trong và sau tết Tân Sửu năm 2021.

Vì vậy, Liên đoàn Lao động TP. HCM đề nghị công đoàn cơ sở tiếp tục tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp sớm công khai thời gian trả lương, trả thưởng và lịch nghỉ Tết; giám sát việc doanh nghiệp thực hiện xây dựng phương án chi trả tiền lương tháng 12/2020, tiền thưởng và các khoản phúc lợi mà doanh nghiệp sẽ thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán, thông tin kịp thời đến người lao động biết để họ an tâm lao động sản xuất.

Đồng thời phối hợp BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương rà soát, nắm bắt danh sách các doanh nghiệp đang khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể để làm việc với chủ doanh nghiệp và có giải pháp kịp thời. Bà Thúy cho hay.

Cũng tại hội nghị, LĐLĐ TP. HCM cũng triển khai kế hoạch các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021. Công tác chăm lo tết năm nay theo hướng bảo đảm tất cả đoàn viên, người lao động đều được chăm lo, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định do dịch Covid-19.

Trong số các trường hợp này có cả những người lao động bị nợ lương, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng đó là công nhân tại doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng tết.