Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP HCM dự kiến đưa học sinh mẫu giáo đến lớp 6 trở lại trường sau Tết Âm lịch

UBND TP HCM đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch để các em có thể quay lại trường sau Tết Nhâm Dần 2022.

Học sinh tại TP HCM. Nguồn: SGGP

Học sinh tại TP HCM. Nguồn: SGGP

Tờ Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin từ ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch để các em học sinh từ mầm non đến lớp 6 có thể quay lại trường sau Tết Nhâm Dần 2022. Phương châm của thành phố là tạo điều kiện cho các em được học tập nhưng phải đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, toàn địa bàn đang khôi phục dần để học sinh có thể học tập bình thường. Hiện tại, học sinh từ lớp 7 trở lên đã có thể đi học trực tiếp, song song với học trực tuyến.

"Thế hệ học sinh hiện nay đã chịu thiệt thòi suốt 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chúng ta cần bù đắp cho các cháu trong thời gian tới bằng việc tạo điều kiện học tập tốt nhất", Zing.vn dẫn lời ông Dương Anh Đức cho biết.

Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo phủ nhận việc chờ hoàn thành tiêm vaccine cho nhóm 5-11 tuổi thì mới đề xuất cho học sinh tiểu học trở lại trường. Sở GD&ĐT khẳng định đây chỉ là một trong các tiêu chí để quyết định. Đơn vị đã chuẩn bị và tham mưu lãnh đạo TP HCM để mở rộng dạy học trực tiếp. Còn thời gian, kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Liên quan đến công tác giáo dục tại TP HCM, theo báo Sài Gòn giải phóng, do ảnh hưởng của việc học trực tuyến kéo dài, cũng như làn sóng về quê tránh dịch vừa qua, hơn 7.500 phụ huynh tại thành phố đã rút học bạ, chuyển con về quê học tập.

Trong số 7.500 học sinh TP HCM đã được phụ huynh rút học bạ, chuyển về quê, phần lớn ở bậc Tiểu học, còn bậc THCS và THPT rất ít. Lý do là bởi học sinh từ khối 7 – 12 đã được trở lại trường.

Qua khảo sát của các nhà trường, học sinh chuyển trường chủ yếu là con em công nhân, người lao động tự do. Việc chuyển trường này xuất phát từ 2 nguyên chính: thứ nhất là thời gian học trực tuyến kéo dài, trong khi phụ huynh vẫn đi làm, không thể theo dõi sát sao việc học của con nên phải gửi về quê cho người thân hỗ trợ; thứ 2 là do tác động của làn sóng hồi hương, dịch bệnh khiến cha mẹ không thể bám trụ thành phố nên con cái cũng phải trở về quê cùng.