Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. Hồ Chí Minh: Gắn giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng thành phố thông minh

(Dân sinh) - Sáng này 20/12, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giáo dục thông minh tại TP. Hồ Chí Minh”. Hội thảo thu hút sự tham dự của hàng trăm giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tham dự và hiến kế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đi đến thực hiện xây dựng thành phố thông minh.

Giáo dục thông minh là xu thế mới của giáo dục hiện đại nhằm xây dựng quốc gia thông minh. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Do vậy ngành Giáo dục cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang rất quan tâm đẩy mạnh mô hình trường học thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội thông minh.

TP. Hồ Chí Minh: Gắn giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc Hội thảo "Giáo dục thông minh tại TP. Hồ Chí Minh".

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn của cả nước và khu vực. Toàn thành phố hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thành phố có trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Chính vì vậy giáo dục và đào tạo một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang thực hiện mô hình giáo dục thông minh.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Thành phố đang triển khai Đề án "Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh". Trong đó, giáo dục phải đi trước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, từ đó đi đến để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên theo ông Sơn, trong quá trình triển khai thì gặp một số khó khăn, vướng mắc như: số lượng học sinh tăng lên rất nhanh tạo ra áp lực đầu tư xây dựng trường lớp. Nhưng bên cạnh đó nguồn kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa thật sự hiệu quả.

TP. Hồ Chí Minh: Gắn giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo.

TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. TP. Hồ Chí Minh đã đề ra cùng với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2011-2020, đến năm 2020, Thành phố phải đạt được mục tiêu: "Xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020".

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường, Trường THCS Phạm Hữu Lầu (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), để đạt được điều này Giáo dục Thành phố cần thực hiện được các nhiệm vụ: Xây dựng được các trường học thông minh; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và giảng dạy; Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng; Lan tỏa phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; Lấy tinh thần tự học, tự đào tạo làm hạt nhân; Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời.

TS. Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu TP. Hồ Chí Minh cho biết, mô hình trường học thông minh, nếu được triển khai thành công sẽ phát huy tối đa tiềm năng của các học sinh, giúp các em phát triển một cách toàn diện, hài hòa. Tiếp cận với công nghệ các em sẽ rèn luyện được năng lực tự học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, năng lực đặt vấn đề và giải quyết vấn đề từ đó giúp các em định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Bên cạnh đó việc xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, mô hình trường học thông minh không thể thực hiện được tại một trường mà phải là trong cùng một hệ thống…