Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. Hồ Chí Minh: Phát sinh câu hỏi khi lập danh sách người mất việc do Covid-19 để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

(Dân sinh) - TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai hoạt động lập danh sách các đối tượng bị mất việc do Covid-19 để hỗ trợ theo gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác rà soát còn một số khó khăn, lúng túng do nhiều nguyên nhân khách quan.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng.

Ngày 22/4, phóng viên báo Dân sinh đã đến địa bàn các quận huyện để ghi nhận về việc triển khai của các phường, xã.  Bước đầu ghi nhận, đại diện các tổ dân phố cho biết hiện các phường mới nhận được văn bản hướng dẫn của UBND TP vào chiều 21/4 về việc rà soát các đối tượng lao động tại doanh nghiệp và lao động tự do.

Lập danh sách người mất việc do Covid-19 để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ vướng một số bất cập - Ảnh 1.

Trước khó khăn hiện nay, nhiều nhà hảo tâm đã đồng lòng giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Ông Trương Văn Hải (61 tuổi, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) nghề chạy xe ôm cho biết, chiều 21/4, người dân nhận tờ khai của khu phố phát, khai xong chúng tôi mới nộp lại vào sáng nay (22/4). Hầu hết, người thuê phòng trọ ở đây đều là công nhân, lái xe, buôn bán... nên được đưa vào danh sách ngành nghề được hỗ trợ.

Ông Võ Văn Kính (Trưởng khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cho biết, từ tối 17/4 phường Thạnh Mỹ Lợi bắt đầu thống kê số lao động tự do mất việc do dịch ở 4 khu phố, đề ra những yêu cầu rõ ràng. Người bán hàng rong phải ghi rõ mặt hàng, người thu gom rác dân lập thuộc nhóm thu gom nào, tài xế xe ôm phải nói rõ truyền thống hay công nghệ... Hiện, khu phố 1 với 130 hộ có 8 người đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ người yếu thế theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

"Việc thống kê có một số khó khăn như phải xác định rõ như thế nào là người bán hàng rong: Người gánh thúng đi bán hay là người ngồi bán ở vỉa hè. Quy định chỉ nói hỗ trợ người chạy xe ôm hai bánh, vậy còn người chạy xe ba gác có được hỗ trợ không?", ông Kính băn khoăn.

Lập danh sách người mất việc do Covid-19 để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ vướng một số bất cập - Ảnh 2.

TP đang khẩn trương rà soát lập danh sách các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tương tự, tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), ông Phạm Văn Hải (Tổ trưởng tổ 4) đến gõ cửa từng nhà có người bị mất việc, phát tờ khai theo mẫu để họ điền tên, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nơi tạm trú, công việc trước khi mất việc. Họ phải nộp bản photo giấy tờ cá nhân và cam đoan khai thông tin đúng sự thật, chịu trách nhiệm bồi hoàn tiền hỗ trợ nếu có gian dối. Đến ngày 25/4, toàn bộ phiếu sẽ nộp về ban điều hành khu phố, báo cáo với phường tổng hợp danh sách.

Ông Trương Thanh Tú - Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, thực hiện chủ trường của thành phố về việc chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, những hộ khó khăn…, những người thất nghiệp do Covid-19, phường đã phối hợp với UBMTTQ phường kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ kịp thời giúp người dân giảm bớt khó khăn, lo lắng trong đại dịch Covid-19.

Về công tác rà soát, lập danh sách những người thuộc diện được hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, từ hướng dẫn của thành phố, quận, phường đã chỉ đạo 5 khu phố tiến hành rà soát, lập danh sách những người khó khăn theo chuẩn 6 nhóm được hưởng hỗ trợ hiện đang sống trên địa bàn phường.

Đến hiện tại, đa số các khu phố đều đã có danh sách nhóm người thuộc diện được hỗ trợ gửi về phường để tổng hợp danh sách đầy đủ. Để công bằng, đúng người, đúng nhóm đồi tượng được hỗ trợ phường đã tập huấn cho các cán bộ và rà soát rất kỹ.

Tuy nhiên trong quá trình rà soát, lập danh sách vẫn còn một số lúng túng như: Đối với những người lao động tự do họ thường tạm trú ở các khu nhà trọ, để chứng minh họ có phải là người tạm trú hợp pháp hay không phải phối hợp với công an và gặp chủ nhà trọ để xác minh, hỏi những người dân sống xung quanh xem đúng họ là lao động bị mất việc do dịch Covid-1 hay không… Vì vậy quá trình xác minh hơi rườm rà và mất thời gian.

Tương tự, anh Nguyễn Tăng Cường - Phó Quận đoàn quận Thủ Đức cho biết: Trong những ngày qua, Đoàn cũng phối hợp với Hội Phụ nữ, UBMTTQ quận… vận động các mạnh thường quân hỗ trợ những người nghèo, người yếu thế đang khó khăn do dịch Covid-19 đang sinh sống trên địa bàn. Để hỗ trợ kịp thời đúng người, đúng hoàn cảnh thì ngoài danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có sẵn, quận đã chỉ đạo các phường rà soát chặt chẽ những người đang sống trên địa bàn thuộc diện khó khăn cần được giúp đỡ.

Lập danh sách người mất việc do Covid-19 để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ vướng một số bất cập - Ảnh 4.

Rà soát lao động thất nghiệp tại các doanh nghiệp .

Đồng thời cũng kết hợp với việc rà soát những trường hợp thuộc các nhóm được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để khi có tiền về sẽ trao đến tay những đối tượng nhanh chóng. Hiện nay, tất cả danh sách những người này đã được các phường nắm rõ và báo cáo với quận.

Chủ tịch UBND phường Tân Phong (Quận 7) cho biết, chiều 21/4, phường mới nhận được văn bản hướng dẫn của TP về việc rà soát nhóm các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, trên cơ sở quận giao phường chỉ đạo ban điều hành chuyển đến các khu phố để tiến hành rà soát lập danh sách. Hiện phường Tân Phong có 6 khu phố từ đó triển khai đến 72 tổ dân phố, tổ dân phố đến từng nhà để gửi phiếu khảo sát cho từng người dân điền thông tin cá nhân cụ thể.

"Trong quá trình lấy thông tin lập danh sách có vướng một số khó khăn nên số liệu hiện tại chưa đầy đủ do số lao động tự do chủ yếu ở các khu nhà trọ nhưng chính sách này mới triển khai nên lao động đã về quê nên chỉ thống kê được những những người còn ở lại thực tế. Vì vậy, phải chờ sau khi thành phố hết cách ly xã hội, các đối tượng lên làm việc thì lập danh sách mới đầy đủ và chính xác", Chủ tịch phường cho hay.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết, từ cuối tháng 3, HĐND TP. Hồ Chí Minh có Nghị quyết hỗ trợ 600.000 công nhân, giáo viên mầm non các trường mầm non tư thục bị mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng. Khi Chính phủ có Nghị quyết 42 về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các quận huyện thống kê thêm người lao động tự do để có chính sách hỗ trợ. Họ được nhận 1 triệu đồng/tháng, không quá 3 tháng.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là: Người bán hàng rong, thu gom rác và phế liệu, bốc vác, bán vé số lưu động, tài xế xe ôm và xích lô, người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh dịch vụ (ăn uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể thao), bảo vệ.

Tuy nhiên, đặc thù công việc của họ các nhóm đối tượng trên là không ổn định, hay đổi chỗ ở nên rất khó rà soát. Do đó, Sở giao từng địa phương triển khai, tổ dân phố phối hợp công an khu vực rà soát kỹ để không bỏ sót. Các quận, huyện sẽ thống kê, gửi danh sách về Sở trước 15h ngày 29/4 để báo cáo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời cố gắng đến 30/4 sẽ trao tiền hỗ trợ cho người dân.

"Những vướng mắc, khó khăn đã được Sở báo cáo và xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp", ông Tấn cho hay.