Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM cần khoảng 150.000 chỗ làm việc

(Dân sinh) - Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần từ 136.000 - 150.000 chỗ làm việc.

Theo đó, các công ty, doanh nghiệp chủ yếu có nhu cầu tuyển dụng người lao động ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, sản xuất sản phẩm điện tử, chế biến thực phẩm - đồ uống, hóa dược - nhựa - cao su) và 9 ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại, vận tải và kho bãi, du lịch, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, kinh doanh tài sản - bất động sản, thông tin tư vấn khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế). 

Tương tự, nhu cầu việc làm của người lao động cũng tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh, thương mại, hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, kế toán, nhân sự, marketing… Theo thống kê của Trung tâm, chỉ có 136 người đang tìm việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Công nhân đang làm việc tại nhà máy của một công ty may mặc ở TP.HCM.

Công nhân đang làm việc tại nhà máy của một công ty may mặc ở TP.HCM.

Về mức lương công việc mỗi tháng, các công ty có nhu cầu tuyển dụng mức từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm tới 55,87%) ở các vị trí như công nhân may, nhân viên thu mua, văn phòng, kế toán, kỹ thuật viên điện... Kế tiếp là nhu cầu tuyển dụng mức lương từ 10 - 15 triệu đồng, chiếm 28,03%; từ 15 - 20 triệu đồng, chiếm 3,72%; mức trên 20 triệu đồng, chiếm 5,9%; còn mức dưới 5 triệu đồng, chiếm 6,48%. 

Dự báo 6 tháng cuối năm, TP.HCM cần từ 136.000 - 150.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 65,41% tổng nhu cầu), sau đó là khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 33,63%) và khu vực nông, lâm, thủy sản (chiếm 0,96%). 

Trong đó, nhu cầu nhân lực trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,12%. Nhu cầu nhân lực trong 9 ngành dịch vụ chính chiếm 52,89%. 

Theo FALMI, với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số nên hầu hết các công việc đều đòi hỏi sự am hiểu về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ năng. Do đó, người lao động cần chủ động trang bị kiến thức, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. 

Cũng theo FALMI, thống kê 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhân lực của TP.HCM tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ - thương mại với hơn 114.000 việc làm tương đương với 77,18% tổng nhu cầu nhân lực; công nghiệp - xây dựng với hơn 33.000 việc làm, chiếm hơn 22,76% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 89 việc làm, chiếm 0,06%.