Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM chú trọng công tác ATVSLĐ cho công nhân vệ sinh môi trường

(Dân sinh) - Nhằm duy trì liên tục, không để đứt đoạn công tác thu gom, xử lý rác thải, TP.HCM đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng công nhân vệ sinh môi trường, đặc biệt là đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Hiện nay, khối lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn TP.HCM khoảng 9.000 tấn. Điều này đặt ra nhiều áp lực cho công tác xử lý rác thải của TP.HCM, trực tiếp là lực lượng công nhân vệ sinh môi trường.  

Nguy hiểm luôn rình rập trong bóng đêm 

Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như rất đơn giản ấy lại ẩn chứa trong đó bao nhọc nhằn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm cận kề. Chị Võ Thị Ngọc Dung, công nhân vệ sinh TP Thủ Đức chia sẻ, suốt nhiều năm gắn bó với nghề nhưng điều chị trăn trở nhất là vấn đề nữ công nhân vệ sinh phải đối mặt, đó là tai nạn giao thông khi đang làm việc.

Chị cho biết nhiều đồng nghiệp bị người say xỉn chạy xe tông bị thương tật, mất sức lao động, cuộc sống khó khăn. Vì người tông phải đã chạy mất nên gặp khó khăn khi làm thủ tục về tai nạn lao động,… 

Nhiều lao động nữ vẫn đang trăn trở vấn đề tai nạn giao thông khi làm việc trong đêm.

Nhiều lao động nữ vẫn đang trăn trở vấn đề tai nạn giao thông khi làm việc trong đêm.

Trải lòng về những vất vả, rủi ro của công nhân vệ sinh môi trường, chị Dung nói: “Để thành phố sạch, đẹp, công việc của công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi rất vất vả. Đêm nào cũng vậy, vừa làm việc, chị vừa thấp thỏm với những rủi ro. Tôi được đồng nghiệp phổ biến kinh nghiệm, hễ thấy ánh sáng chiếu vào người là phải chú ý quan sát. Nghe tiếng xe rồ ga là phải dừng quét dọn, chạy lên vỉa hè. Công nhân vệ sinh môi trường rất sợ những lái xe say xỉn, phóng nhanh có thể đâm vào mình”. 

Ông Nguyễn Thanh Quang, công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết: Mặc dù có áo phản quang, nhưng thông thường trong đêm tối, các phương tiện hay phóng nhanh, vượt ẩu, nhiều tài xế say xỉn lạng lách, nên chúng tôi vừa làm vừa phải tập trung quan sát. Nếu nghe tiếng động cơ xe gầm rú bất thường, sẽ phải dừng quét và né tránh ngay lập tức để bảo toàn tính mạng… 

Có thể nói, những người dọn rác thải - công nhân vệ sinh môi trường, đang mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt đối với xã hội. Người lao động trong ngành Môi trường phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn khi nguồn thải không được phân loại, bảo quản đúng quy định. Chưa hết, họ còn đứng trước rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động mà nguyên nhân chính do các vi phạm an toàn giao thông gây ra. 

Đảm bảo an toàn cho công nhân 

Để đảm bảo an toàn cho công nhân vệ sinh môi trường, Sở TN&MT TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải y tế trong các bệnh viện,…phải đảm bảo thực hiện quy trình nghiêm ngặt, trang bị đẩy đủ đồ bảo hộ an toàn lao động khi làm việc. 

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ công nhân an tâm làm việc, gắn bó với nghề nghiệp, cần phải kết hợp nhiều giải pháp. Theo tôi, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã thu gom rác cần luôn quan tâm, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong công việc, nhất là việc phải đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội, an toàn lao động để họ an tâm làm việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết: "Chúng tôi hết sức chú trọng đến việc bảo hộ lao động, tuyệt đối bảo đảm an toàn cho gần 2.000 công nhân của công ty, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay. Nhờ vậy, trong suốt thời gian căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid - 19 xảy ra tại TP.HCM, tập thể lãnh đạo và công nhân CITENCO luôn luôn bảo bọc, hỗ trợ lẫn nhau, cùng đoàn kết vượt qua dịch bệnh và hoàn thành nhiệm vụ mà chính quyền TP.HCM giao phó". 

Công nhân vệ sinh môi trường luôn được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.

Công nhân vệ sinh môi trường luôn được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.

Cũng theo ông Nhựt, bên cạnh việc trang bị bảo hộ lao động cho người lao động. Hằng năm, công ty đều tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Công ty cũng đã xây dựng các bước làm việc an toàn cho người lao động.

Để phòng tránh tai nạn giao thông vào ban đêm, người lao động phải mặc áo có phản quang giúp người điều khiển phương tiện giao thông dễ phát hiện và chủ động tránh. Đồng thời, công nhân lao động phải đặt chóp phản quang tại khu vực làm việc gần ngã ba, đường rẽ hoặc khu vực khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông.

Trong quá trình làm việc, các công nhân vẫn phải tập trung quan sát để tránh rủi ro. Tại một số địa điểm thường xảy ra tai nạn, công ty trang bị xe rác chuyên dụng để giảm thiểu tai nạn đối với người lao động. Đối với các lao động mới được tuyển dụng, công ty đã lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến quy trình làm việc an toàn.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong năm 2021, trên địa bàn TP đã xảy ra 544 vụ tai nạn lao động khiến 52 người tử vong. Theo Sở LĐ-TB&XH, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: may trang phục (95 vụ, chiếm tỷ lệ 17,52%); gia công, sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại (77 vụ, chiếm tỷ lệ 14,2%); sản xuất giày, dép (76 vụ, chiếm tỉ lệ 14,02%); thuộc, sơ chế da, sản xuất va li, túi sách, yên đệm, sơ chế và nhuộm da lông thú (53 vụ, chiếm tỷ lệ 9,77%).

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn chiếm tỷ lệ 40,03%; Nguyên nhân khách quan khó tránh, chiếm tỷ lệ 38%; Tai nạn được hưởng trợ cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động, chiếm tỷ lệ 11,62%; Không có thiết bị an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn, chiếm tỷ lệ 3,32%; Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, chiếm tỷ lệ 3,13%.

Trước đó, giữa tháng 2/2022, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý để đăng ký nhu cầu sử dụng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro năm 2022 theo Nghị định 88/2020 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.