Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng trường mầm non trong khu công nghiệp

(Dân sinh) - UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chiều 18/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, dẫn đầu, đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. 

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin, hàng năm, bình quân trẻ mầm non tăng gần 10.000 trẻ. Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn TP có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó, có 468 trường mầm non công lập, 883 trường ngoài công lập. Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập (tối đa 70 trẻ/cơ sở) là 1.761 nhóm. 

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Hiện toàn TP có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tập trung tại Thủ Đức, quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè. Đến nay, có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ việc giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ em của các hộ dân địa phương. 

Tại các khu vực tập trung khu chế xuất, khu công nghiệp, có 776 trường mầm non với 142.353 trẻ. Công tác huy động trẻ đến trường, lớp; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao chất lượng. 

Theo UBND TP.HCM, việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án trường mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất gặp nhiều khó khăn, như các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Trong khi đó, địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động, chủ yếu là dân nhập cư, nên nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi là rất cao. 

Trước thực trạng này, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong quá trình phát triển, mở rộng quy mô phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở ổn định cho công nhân và phải dành quỹ đất để xây dựng trường học cho con em công nhân.