Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Hơn 18.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông

(Dân sinh) - 5 tháng đầu năm 2022, Công an TP.HCM đã xử phạt hơn 18.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong tổng số 181.220 vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 9/6, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đã thông tin về tình hình xử lý đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ theo quy định. 

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, Công an TP.HCM đã xử lý hơn 181.000 trường hợp vi phạm giao thông; trong đó có hơn 18.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.  

Thượng tá Lê Mạnh Hà cung cấp thông tin tại cuộc họp báo.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cung cấp thông tin tại cuộc họp báo.

Công an TP nhìn nhận vi phạm này là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó, Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông TP tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là vào ban đêm. 

Cũng tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, lực lượng cảnh sát giao thông TP đang xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông qua hai hình thức. Đó là trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm để xử lý. Thứ hai là xử phạt vi phạm qua hình ảnh được ghi nhận từ hệ thống camera giám sát về giao thông, ghi hình trực tiếp của cảnh sát giao thông, hình ảnh do cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp. 

CSGT TP.HCM ra quân kiểm tra người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

CSGT TP.HCM ra quân kiểm tra người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Riêng đối với hình thức xử phạt hành chính qua hình ảnh, lực lượng cảnh sát giao thông khi xử phạt sẽ có giấy thông báo kèm hình ảnh vi phạm đến người vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông không xử lý vi phạm giao thông thông qua địa chỉ email hoặc điện thoại.

“Đây là thủ đoạn thường được các đối tượng tội phạm mạng sử dụng. Với cách thức này, các đối tượng tội phạm tiếp cận người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nên mọi người phải hết sức cảnh giác” - Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo. 

Tại buổi họp báo, trao đổi về việc ứng dụng mạng xã hội vào phục vụ công tác bảo đảm ANTTXH, Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng xã hội, tháng 1/2021, Công an TP đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và sử dụng các trang mạng xã hội để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cải cách hành chính, các phương thức thủ đoạn của thế lực thù địch…

Qua hơn 1 năm triển khai, Công an TP đã đưa vào sử dụng 31 trang mạng xã hội của các đơn vị cấp phòng, Công an cấp quận – huyện; 136 trang mạng xã hội của Công an phường – xã; đăng tải 3.586 tin, bài, 2.115 video, 5.184 hình ảnh; thu hút trên 5,3 triệu lượt người xem; có hơn 60.800 lượt người tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hình ảnh; 10.967 lượt truy cập dịch vụ công trực tuyến; 3.079 tin báo của người dân liên quan đến TTATXH.