Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020

(Dân sinh) - Ngày 15/4, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn TP.HCM với chủ đề: "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm".

TP.HCM: Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 - Ảnh 1.

Đoàn xe loa phát thanh lưu động tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với chủ đề: "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm".

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ thay thế việc tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm bằng hình thức tuyên truyền khác như: Tổ chức 6 xe loa tuyên truyền đồng loạt trên các tuyến đường, phát thanh thông điệp tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên Đài tiếng nói nhân dân thành phố, Đài truyền hình thành phố; Treo băng rôn ngang, băng rôn dọc trên các tuyến đường chính về các khẩu hiệu tuyên truyền của Tháng Hành động.

TP.HCM: Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 - Ảnh 2.

Xe loa lưu động sẽ phát loa tuyên truyền trên toàn TP.HCM.

Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phát huy ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai các hoạt động với mục tiêu:

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại TP.HCM. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm;

Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: Tháng Hành động năm nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các Sở ban ngành liên quan trên địa bàn thành phố, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với 11 khẩu hiệu tuyên truyền.

1. Nhiệt liệt hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2020.

2. Bảo đảm an toàn thực phẩm là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm Việt Nam.

3. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng

4. Hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; không mua sản phẩm tại các địa chỉ đã được cơ quan chức năng cảnh báo vi phạm quảng cáo.

5. Tăng cường áp dụng chọn lọc thành quả cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.

6. Không được quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm là thuốc.

7. Vì sức khỏe người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

8. Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

9. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn an toàn.

10. Để đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

11. Bảo vệ quyền cơ bản của con người là được sử dụng thực phẩm an toàn.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.