Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM quyết tâm trở lại trạng thái “bình thường mới”

(Dân sinh) - Lãnh đạo TP.HCM mong muốn được sự đồng thuận và quyết tâm cao của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Tất cả sẽ cùng sát cánh để sớm đưa TP.HCM về trạng thái “bình thường mới”, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Tại cuộc họp báo tối 15/9 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP vừa ban hành kế hoạch thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 16/9.

Theo đó, TP.HCM sẽ thí điểm triển khai thực hiện "thẻ xanh Covid-19" gắn với mã QR cá nhân ở Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ cùng nhiều điều chỉnh hoạt động của các ngành nghề kinh doanh.

TP.HCM quyết tâm trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 1.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM).

Từ ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục sử dụng các Giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp, hiệu lực đến hết ngày 30/9.

Người dân ở Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ được đi chợ 1 tuần/lần, còn người dân ở các quận, huyện khác và TP Thủ Đức vẫn tiếp tục thực hiện "đi chợ hộ".

Về "thẻ xanh Covid-19", Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho hay, UBND TP.HCM quyết định thí điểm tại các đơn vị: Quận 7; Huyện Cần Giờ; Huyện Củ Chi; Các KCX, KCN trên địa bàn TP và Khu Công nghệ cao.

Tuy nhiên, "thẻ xanh Covid-19" này không phải áp dụng trên toàn bộ địa phương đó mà là triển khai có lộ trình và trong nhóm điều kiện cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo các địa phương, đơn vị.

TP.HCM quyết tâm trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 2.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trao đổi về "thẻ xanh Covid-19" và ứng dụng khai báo y tế điện tử. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM).

Ví dụ, triển khai thí điểm "thẻ xanh Covid-19" cho khoảng 150 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu trên địa bàn quận 7; thí điểm quản lý các cơ sở cung cấp thực phẩm, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại huyện Củ Chi, Cần Giờ…

Về ứng dụng khai báo điện tử do Sở TT&TT thực hiện, theo ông Lâm Đình Thắng, đây là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn TP.HCM từ tháng 1/2021. Cùng với đó, để đảm bảo cho nhu cầu của công tác phòng, chống dịch sau ngày 15/9, sau khi tổng kết và xin ý kiến của các Bộ chuyên ngành, TP thống nhất sẽ phát triển ứng dụng khai báo y tế điện tử của TP.HCM, qua đó giúp người dân giảm bớt các loại giấy phép, quản lý thông tin cá nhân một cách thuận tiện nhất.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng lý giải, việc chọn một ứng dụng do TP xây dựng và phát triển là để phù hợp nhất với diễn biến của công tác phòng, chống dịch của TP. Về định hướng lâu dài, ứng dụng này là phục vụ cho công dân của TP.HCM sau khi trở về trạng thái bình thường mới và đặc biệt là trong quá trình xây dựng TP trở thành Đô thị thông minh.

TP.HCM quyết tâm trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 3.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.HCM.

Tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho hay: "Đến lúc này, TP.HCM đã có những kết quả bước đầu khả quan, chúng ta vẫn đang đi đúng hướng và trước mắt là những triển vọng mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, phức tạp, không cho phép chúng ta chủ quan, lơ là. Nếu có bất kỳ sự chủ quan nào, điều đó sẽ gây tổn hại rất lớn cho nhân dân, cho TP".

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng bộ, chính quyền TP phải tính toán các vấn đề để làm sao vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm sao để người dân có điều kiện sống tốt hơn, đáp ứng được những nhu cầu cần thiết.

Những chỉ đạo mới của UBND TP.HCM tại Công văn số 3072/UBND-VX ngày 15/9/2021 là sự trăn trở, cân nhắc rất kỹ của lãnh đạo TP.

Để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách mới có thể sẽ có một số lúng túng, thiếu sót, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục đồng hành để hỗ trợ, sát cánh cùng TP.

Trong ngày 15/9, Trung tâm an sinh TP.HCM đã tiếp nhận các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, cá khô, khoai lang… của các đơn vị, tổ chức trao tặng trị giá 1.629.500.000 đồng. Đồng thời Ban Vận động tiếp nhận và phân phối quỹ Covid-19 đã đặt mua 195 thùng đồ bảo hộ trị giá 341.250.000 đồng.


Các mặt hàng như gạo, cá khô được nhập kho để thực hiện các phần quà an sinh. Khoai lang được phân phối đến các đơn vị: Quận 10, Quận 12; huyện Cần Giờ; huyện Bình Chánh. Riêng đồ bảo hộ do Ban Vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống Covid-19 mua được kết hợp với các mặt hàng đã nhập kho.


Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 15/09/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển đến quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.785.660 túi (tăng 2.000 túi so với ngày 14/9/2021).