Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: "Tắc" tiền sử dụng đất, hàng ngàn sổ đỏ bị "treo"

Bị "treo" sổ đỏ, cư dân biểu tình, đâm đơn khởi kiện chủ đầu tư. Còn nhiều doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải sốt ruột chờ vì nhiều vướng mắc.

Ngày 10/9, báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất", với sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cùng các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng sẵn sàng tạm đóng trước tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) cho cư dân nhưng chưa được.

Tắc tiền sử dụng đất, hàng ngàn sổ đỏ bị treo ở TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM). Ảnh: Kỳ Hoa

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỷ đồng - chỉ đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền thu sử dụng đất giảm 21%.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng chỉ ra, hiện có 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ tại TP.HCM chưa được cấp sổ đỏ. Nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, có dự án đã triển khai công tác định giá đất gần 5 năm, thậm chí có dự án chủ đầu tư đã hoàn tất việc tạm nộp tiền sử dụng đất 3 - 4 năm nhưng vẫn đang tiếp tục phải chờ...

Trong đó, Tập đoàn Novaland có 11 dự án, Tập đoàn Hưng Thịnh có 1 dự án đã tạm đóng tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp sau đó xin xác nhận số tiền sử dụng đất chính xác phải nộp là bao nhiêu nhằm hoàn tất nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ đỏ, song chưa được trả lời.

Bị "treo" sổ đỏ, hàng ngàn hộ dân đâm đơn khiếu kiện, biểu tình, gây hoang mang bất ổn cho thị trường bất động sản. Trong khi các doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ cho cư dân lại không hề đơn giản nên phải ngậm ngùi "bội tín".

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) đánh giá, quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu, việc tắc tiền sử dụng đất xuất phát nhiều nguyên nhân. Hiệp hội sẽ kiến nghị sắp tới khi sửa Luật Đất đai nên phân quyền việc ký cấp sổ đỏ cho các quận, huyện để nhanh hơn, thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên - Môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Thạch (Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) thừa nhận so với thực tế, việc giải quyết các vướng mắc vẫn rất chậm. Theo ông, đi sâu vào từng dự án có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn về pháp lý. Hiện, Sở đang tập hợp, phân loại các dự án vướng mắc, báo cáo UBND TP để kiến nghị lên các Bộ có những cơ chế gỡ vướng cho doanh nghiệp và người dân.