Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 5 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ

(Dân sinh) - Sáng 13/11, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

TP.HCM: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 05 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh 1.

Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 05 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Báo cáo tại hội nghị, hiện tại TP.HCM có hơn 4.538.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 50% dân số, mỗi năm có khoảng 100.000 người bước vào độ tuổi lao động. Số lao động đang làm việc là hơn 4.412.000 người, chiếm hơn 97% người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, thành phố có trên 30% lực lượng lao động là người ngoại tỉnh, làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thành phố có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đang hoạt động thu hút được 1.226 dự án với tổng số hơn 288.529 lao động, trong đó lao động nữ là 171.241 người…

TP.HCM: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 05 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM báo cáo tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết, quán triệt Chỉ thị 22-CT/TƯ và kết luận 96KL/TƯ của Ban Bí thư, Thành ủy đã ban hành Thông tư số 17-TT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; thành lập Ban chỉ đạo tham mưu cho Thành ủy về xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức quán triệt trong đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động (NLĐ) và đội ngũ doanh nhân; ban hành các văn bản chi đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể các Ban Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố để đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suối trong thực hiện.

"Nhiều giải pháp được Thành phố ban hành đã phát huy hiệu quả tích cực cải thiện như vấn đề nhà ở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần NLĐ, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn; giảm thiểu được các vụ vi phạm pháp luật lao động góp phần đảm bảo quyền lợi công nhân, NLĐ. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện việc thành lập công đoàn, ký thỏa ước lao động tập thể, đăng ký thang bảng lương nội quy lao động,… được nâng lên. Quan hệ lao động được đảm bảo ổn định và có tiến bộ, đình công có xu hướng giảm rõ rệt cả về số cuộc, số người tham gia và thời gian xảy ra", ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm.

TP.HCM: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 05 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh 3.

TP.HCM: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và sơ kết 05 năm Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh 4.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM trao 27 Bằng khen cho tập thể, 22 cá nhân và 7 doanh nghiệp có thành tích trong công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2018 đã xảy ra 1.022 vụ đình công với 391.000 người tham gia, trong đó: từ năm 2003 đến năm 2013, có 737 vụ (chiếm 72,1%) với 289.000 người tham gia, từ năm 2014 đến 2018, xảy ra 285 vụ (chiếm 27,9%) với 101.000 người tham gia. Phân loại theo vốn trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Hàn Quốc, Đài Loan là quốc gia, lãnh thổ chiếm 70% các DN có đình công; phân loại theo ngành nghề các DN sử dụng lao động: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện, điện tử… trong đó dệt may, da giày chiếm 85%. Nguyên nhân các cuộc đình công liên quan đến đòi nợ lương, đòi tăng lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng trước thời điểm Tết nguyên đán, thanh toán tiền phép năm và thực hiện quy định làm thêm, nợ BHXH, làm thêm giờ,…chủ bỏ trốn về nước không thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ.

Được biết, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) được LĐLĐ TP.HCM chỉ đạo Cung Văn hóa Lao động Thành phố đầu tư nâng cao các chương trình hoạt động, xây dựng tại 15 Nhà văn hóa lao động quận, huyện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các ngành vận động các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ với nhiều hình thức như ngày hội văn hóa, ngày hội gia đình, ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp; Đã vận động khoảng 39.000 lượt chủ nhà trọ đăng ký không tăng giá thuê trọ với hơn 111.000 công nhân được thụ hưởng; ký kết các chương trình phối hợp với các đơn vị điện lực, cấp nước tuyên truyền đến các công đoàn cơ sở, doanh nghiệp, nhà lưu trú thực hiện cấp định mức điện, nước cho 1,2 triệu lượt CNLĐ. Vận động cơ sở giữ trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình không tăng giá góp phần giúp công nhân bớt gánh nặng đời sống.

Qua đó, trong 10 năm qua, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức công đoàn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, ước tính đã chăm lo 2,4 triệu lượt CNLĐ với kinh phí 427 tỉ đồng và hộ trợ, cấp vốn cho 1,4 triệu lượt CNLĐ với số tiền hơn 15 tỉ đồng.

Thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP Chính phủ, từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm Đảng bộ TP.HCM thành lập mới 92 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, tăng 1,4 lần so với năm 2007 (thành lập 66 tổ chức đảng); kết nạp 1.102 đảng viên, tăng 4,2 lần so với năm 2007 (kết nạp 259 đảng viên). Đảng bộ TP.HCM chú trọng thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có đông công nhân lao động (500 lao động trở lên), nâng tỉ lệ tổ chức đảng từ 47,7% (161/337 doanh nghiệp) năm 2010 lên 79,4% (282/355 doanh nghiệp) năm 2018.