Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài "đạn bắn không thủng" nổi tiếng V.League

Trọng tài vốn vẫn được coi là “vua sân cỏ”, nhưng đồng thời cũng là một nghề phải đương đầu với nhiều áp lực và nguy hiểm. Cùng với đó là cả những cám dỗ không dễ để vượt qua.

Lời toàn soạn: Trong giới trọng tài Việt Nam, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng vẫn nổi tiếng với khả năng chuyên môn tốt, cá tính mạnh mẽ và sẵn sàng đấu tranh đến cùng với tiêu cực, đến mức được ví von là người "đạn bắn không thủng".

Với quãng thời gian 10 năm cầm còi và cả những câu chuyện sau khi ông đã về nghỉ, không dễ để khắc họa được hết những thăng trầm mà trọng tài Dương Mạnh Hùng đã trải qua với cái nghề mà ông luôn tâm niệm "là thú chơi, là đam mê chứ không phải nơi để kiếm tiền làm giàu".

Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về trọng tài Dương Mạnh Hùng, người đầu tiên được nhận danh hiệu Còi vàng tại Việt Nam, với những ký ức, những câu chuyện khó tin nhưng có thật về nghề trọng tài.

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 2.

TỪ CẦU THỦ ĐI HỌC LÀM TRỌNG TÀI VÌ ẤM ỨC

"Ngay từ nhỏ bóng đá đã là niềm đam mê với tôi rồi. Lúc 7,8 tuổi tôi bắt đầu chơi cho đội năng khiếu của trường Thể thao thiếu niên 10-10. Cứ chơi phong trào như vậy rồi đến năm 15 tuổi tôi được tuyển vào đội Quân khu Thủ đô. 

Trải qua thời gian, tôi thi đấu cho 5 đội bóng ở giải A1 gồm Quân khu Thủ đô, ĐT Quân đội, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt rồi Thanh niên Hà Nội", cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng bắt đầu câu chuyện về cuộc đời làm nghề của mình từ mốc thời gian rất xa, như để chứng minh cho việc ông chọn cả đời gắn bó với bóng đá dường như đã là định mệnh.

Nói là định mệnh cũng phải bởi đã từng có thời điểm, người ta bất ngờ thấy Dương Mạnh Hùng mới 23 tuổi đã nghỉ đá bóng để đi xuất khẩu lao động. Và rồi ít lâu sau, tất cả lại thêm một lần ngỡ ngàng nữa khi thấy chàng trai vừa từ Đức trở về cố ép cân trong 3 tuần, giảm đến gần 30kg để có thể quay trở lại với bóng đá.

"Ngày xưa đi đá bóng làm gì có phí chuyển nhượng, lót tay hay gì đâu. Gọi là mình đam mê thì ăn tập, sau đó đi thi đấu thì được mấy chục ngàn. Một mùa giải thi đấu xong, ai mà dành dụm thì chắc mua được mảnh vải về may quần cho mẹ hoặc may cái áo cho mình. Hết. Thời đấy nó là như thế. Đất nước khi đó còn khó khăn mà.

Cầu thủ ai không đá bóng nữa thì ra ngoài bươn chải lo toan cuộc sống. Bản thân tôi sau khi tập trung ĐT Quân đội trên Đoàn Thể Công từ năm 1984 đến 1988 thì cũng có gần 3 năm đi xuất khẩu lao động sang Đức (1988-1990) theo chế độ quân đội cho cầu thủ.

Nhưng đến năm 1990 về, mới 25,26 tuổi thôi và vì còn đam mê nên tôi lại tiếp tục đá cho Công An Hà Nội. Mà có lẽ không vì yêu bóng đá quá thì chắc tôi cũng không về Việt Nam mà giờ đang sống ở Đức hoặc đâu đó rồi. Tôi nhớ lúc về mình nặng 90kg, mà rồi cố tập, ép cân trong 3 tuần để xuống còn hơn 60kg để đá bóng được tiếp", ông Hùng kể lại.

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 3.

Ngoài bóng đá, ông Hùng còn theo nghiệp võ và là môn sinh của Môn phái Nhất Nam.

Một chi tiết nữa không thể bỏ xót đó là việc vào năm 1983, khi đang là cầu thủ Quân khu Thủ đô, Dương Mạnh Hùng đã tập luyện võ thuật Môn phái Nhất Nam do thầy Ngô Xuân Bính Chưởng môn truyền dạy và là một học trò "cưng" về chuyên môn của thầy trong Môn phái.

Có lẽ cũng bởi bãnh lĩnh đã được trui rèn và cái sự khẳng khái của "con nhà võ" đã giúp ông thêm mạnh mẽ để đương đầu với những sóng gió của nghề trọng tài sau này.

Trải qua 15 năm ăn tập, thi đấu (từ 1980 đến 1996, ngắt quãng mất 3 năm đi Đức), đến năm 1996 thì ông Hùng nghỉ. Vì nhiều lý do mà ông khó có điều kiện đi học lên làm HLV được. Nhưng cái máu bóng đá vốn luôn sôi sục trong huyết quản thôi thúc ông phải tìm hướng để tiếp tục.

Cộng với việc vốn đã nung nấu ý định sẽ trở thành trọng tài ngay từ khi còn làm cầu thủ, tháng 12 năm 1996, ông Hùng bắt đầu tham gia Đoàn trọng tài Hà Nội và đến tháng 7 năm sau thì chính thức được công nhận.

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 4.

"Bản thân tôi cũng nghĩ trước giờ chưa thấy ai từ cầu thủ lên làm trọng tài cả, vì nếu điều đó xảy ra thì sẽ rất tốt, trọng tài sẽ thấu hiểu, thông cảm cho cầu thủ hơn. Mà tôi gọi việc đó là "chơi trọng tài", giống như cầu thủ chơi bóng đá vậy, một công việc vì đam mê.

Tôi còn nhớ năm 1998, mình tự bỏ tiền túi tham gia một lớp học trọng tài quốc tế do AFC phối hợp với VFF tổ chức, dạng xin đi dự thính thôi. Ai trong danh sách được cử đi học thì có hỗ trợ kinh phí, còn tôi tự đi thì phải tự bỏ tiền vé máy bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng, rồi tiền ăn ở 12 ngày trong đó. 

Số tiền bỏ ra lớn lắm, cũng phải cỡ 10 triệu, nhưng vì đam mê nên tôi chả nghĩ gì đâu. Mà đúng ra tôi đi tự túc nên không được cấp bằng đâu, nhưng ông thầy là trọng tài FIFA thấy tôi học tốt nên vẫn duyệt cấp cho.

Sang năm 1999 tôi học tiếp một lớp nữa ở Hà Nội và có trong tay 2 bằng quốc tế. Và từ năm đó tôi bắt đầu được bắt ở các giải quốc gia".

"CỨ TĂNG LƯƠNG CHO TRỌNG TÀI MỖI THÁNG LÊN 5 TRIỆU THÌ SẼ KHÔNG CÓ TIÊU CỰC"

Theo lời kể của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng, ông đã từng cầm còi ở rất nhiều giải đấu, hạng đấu của bóng đá Việt Nam. Chỉ trừ giải Nhi đồng U11, còn lại từ U15 trở lên, đến hạng Ba, hạng Nhì rồi cả bóng đá nữ ông đều từng tham gia.

Nguyên nhân cũng bởi ở thời điểm đó, một trọng tài có thể xen kẽ bắt ở cả V.League lẫn giải hạng dưới, thậm chí đảm nhận cả nhiệm vụ trọng tài biên, chứ chưa được chỉn chu như bây giờ.

Tuy nhiên với cái máu bóng đá đã sẵn trong mình, chưa bao giờ ông Hùng nề hà bất cứ trận đấu nào khi được giao nhiệm vụ. Thậm chí với ông, thu nhập từ nghề trọng tài chưa bao giờ là điều quá bận tâm.

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 5.

"Khi chơi trọng tài cũng như lúc chơi bóng thôi, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện thu nhập. Mấy giải hạng dưới đi làm để thỏa đam mê thôi. Có những giải chúng tôi phải ứng tiền túi ra trước rồi hết mùa giải ban tổ chức mới trả tiền cho cả tổ trọng tài để chia nhau. Có khi mình chi tiền triệu mà đến lúc thu về có 5-700 ngàn. Nhưng tôi chả nghĩ gì cả.

Còn đến khi cầm còi ở hạng cao nhất, mỗi trận tôi được trả 800.000 đồng. Tuần 1 trận, tháng được 4 trận. Nếu có thổi đủ cả cũng chỉ được 3,2 triệu. Đấy là chưa nói nếu mình không được phân cầm còi mà lại làm trọng tài bàn thì chỉ được 600.000 đồng/trận thôi. Ngoài ra, những ngày đi làm nhiệm vụ đó thì được BTC chi thêm cho 200.000 đồng/ngày tự lo ăn ở.

Tôi thì đi làm tự do, không thuộc cơ quan nhà nước nào, vì đam mê thôi chứ cũng không khó khăn về vật chất. Còn anh em với mức lương 3 triệu rưỡi, 4 triệu như thế thì tạm gọi là đủ ăn thôi.

Tất nhiên thu nhập như thế vẫn ở mức tạm được so với mặt bằng xã hội khi đó. Còn tiêu xài thế nào thì tùy từng người. Hồi đó có một lãnh đạo VFF từng nói giờ tăng lương cho trọng tài mỗi tháng lên 5 triệu đi thì sẽ không có tiêu cực. Nhưng ở trong cuộc tôi hiểu rằng nếu có tăng thật thì tiêu cực vẫn là tiêu cực thôi".

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 6.

Sở dĩ ông Hùng nói vậy bởi theo lời kể của ông, trong hơn 230 trận mà mình đã làm, có đến 2/3 số trận đấu được người ta "đặt vấn đề". Và ngay ở trận đầu tiên được cầm còi chính thức ở giải hạng Nhì, ông đã phải tự đấu tranh với cái gọi là "bồi dưỡng cho trọng tài".

"Ngay trận đầu tiên đi làm giải quốc gia tôi đã chống tiêu cực rồi. Ngày đó sau khi bắt xong, lãnh đạo của một đội bóng mới tâm sự rằng từ trước đến nay, trọng tài đến đây thì địa phương chủ động lo chỗ ăn ở; sau trận nếu đội thắng thì tổ trọng tài được 5 triệu, hòa thì 3 triệu. Mới đi bắt lần đầu tôi biết chuyện đó đã giật mình rồi.

Bóng đá là môn thể thao có tính ganh đua, từ trong sân đến ngoài sân. Người ta sẵn sàng bỏ tiền ra bồi dưỡng trọng tài, vì so với khoản đầu tư cho đội bóng thì nó không đáng là bao.

Đối với tôi, trong hơn 230 trận đấu đã làm thì phải 2/3 trong số đó được người ta đặt vấn đề. Người ta vẫn gọi trọng tài là vua sân cỏ, nhưng nếu anh không hiểu đúng nghĩa và sử dụng đúng từ "vua" dành cho mình thì sẽ tự làm hoen ố và đánh mất danh dự của mình.

Cái nghề này chỉ chăm chú vào chuyên môn thôi để làm cho đúng, cho chuẩn đã là sức ép lắm rồi. Bắt đúng trăm tình huống không sao nhưng sai một lần thôi là đã bị khán giả họ chửi cho rồi, chứ đừng nói đến việc cố tình làm sai để giúp ai đó hưởng lợi".

Nhưng đó mới chỉ là câu chuyện khởi đầu, với những con số còn khá… khiêm tốn.

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 7.

"NGƯỜI TA TỪNG MANG VÀO TẬN PHÒNG TÔI 500 TRIỆU"

Tiếp đà câu chuyện, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng kể lại kỷ niệm về lần ông từ chối món tiền 500 triệu ngay trước một trận tranh vé thăng hạng.

"Khi bồi dưỡng trọng tài thì tùy theo giá trị của trận đấu và giải đấu. Số tiền mà tôi được biết mà người ta cho từng trọng tài có thể là vài triệu, vài chục triệu rồi đến vài trăm triệu cũng có.

Cái "biết" ở đây tức là người đưa tiền họ nói cho tôi. Khi tôi từ chối thì họ bảo chỉ có trách nhiệm đưa, còn các trọng tài khác họ nhận hết rồi. Tôi chả biết lời nói đó thật giả thế nào nhưng bảo luôn người khác thì không biết, chứ tôi thì tôi không tham gia.

Có trận đấu tranh suất thăng hạng, người ta mang vào tận phòng tôi 500 triệu. Tôi bảo thẳng: "Đề nghị anh mang về, tôi không cầm của ai bất cứ thứ gì cả; còn ngày mai kết quả thế nào thì hai đội thi đấu sòng phẳng".

Hôm sau đội bóng của người ta thua, lãnh đạo đội họ vào hỏi này hỏi kia, rồi nói thẳng mặt tôi những câu rất khó nghe. Tôi chỉ bảo: "Anh như thế là hơi quá rồi đấy, đội của anh đá trên sân thế nào thì mọi người đều thấy, tôi không bênh được đâu".

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 8.

"Còn có lần tôi đang thổi thì có người chạy sát đến sân bảo phải làm thế này thế kia. Tôi mời ra ngoài luôn.

Trọng tài là nghề rất khó mà cũng rất dễ. Cái khó là anh phải hiểu rất sâu tinh thần của luật để áp dụng, làm cho người ta thấy thuyết phục. Nếu anh thổi khách quan, công tâm thì đôi khi có những tình huống 50-50, vô tình anh thổi chưa đúng thì người ta sẽ thông cảm cho. Có cái khó đó thì mới tạo ra được cái dễ của nghề trọng tài.

Khi có niềm tin của cầu thủ thì diễn biến trên sân sẽ nằm trong sự kiểm soát. Còn với khán giả thì vô cùng lắm, vì đôi khi họ không hiểu về luật được như cầu thủ, trọng tài.

Trọng tài có sức ép từ cầu thủ, khán giả và chuyên môn. Đó là 3 sức ép tích cực. Còn sức ép gây ảnh hưởng nhất là sức ép thiên vị, để phải bắt sao cho có lợi cho ai đó".

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 9.

TRẢ LẠI PHONG BÌ VÀ TRẬN ĐÒN HỤT Ở GIA LAI 

Sự nổi tiếng bởi cách làm nghề "không giống ai" khiến những câu chuyện về ông Hùng xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Như vụ khi lên Pleiku, nửa đêm có người gõ cửa dúi phong bì vào tay rồi chạy đi khiến ông phải gọi điện lên báo với VFF để trả lại đã trở thành câu chuyện bất hủ gắn với tên tuổi Dương Mạnh Hùng.

Nhưng có một câu chuyện khác cũng từng diễn ra ở Pleiku mà ông Hùng muốn kể để minh chứng cho sự nguy hiểm của nghề trọng tài bởi sự manh động của những CĐV quá khích.

"Tôi còn nhớ một lần lên HAGL làm nhiệm vụ thì xảy ra chuyện thế này. Khi đó tôi được giao làm trọng tài bàn, hết trận đấu có nhiệm vụ đi nhận tiền công do ban tổ chức chi trả cho tổ trọng tài.

Ở Gia Lai, từ sân vận động về nhà nghỉ cách nhau hơn 1km nhưng tổ trọng tài đều đi bộ thôi, trừ khi có sự cố gì thì mới cần hỗ trợ xe đi lại cho đảm bảo an toàn. Nhưng không ngờ hôm đó lại có chuyện.

Vì đi nhận tiền công nên tôi về sau. Về đến nơi thì thấy trọng tài chính và hai trợ lý mặt tái xanh hết cả. Trận đấu hôm đó cũng bình thường thôi, có vài tình huống căng thẳng một chút nhưng không hiểu sao có đám hơn chục thanh niên phi xe máy đến tận nhà nghỉ của trọng tài, tay lăm le gậy gộc, gạch đá.

Mấy anh em đang ngồi vỉa hè nghỉ ngơi, hút thuốc trước khi tắm rửa thì thấy 5,7 cái xe máy lao tới. Tất nhiên đám đó cũng chỉ là "trẻ trâu" chứ không phải dân xã hội hay gì nên không dám truy đuổi gắt. Nhưng thế cũng đủ sợ lắm rồi".

Trận đòn hụt ở Gia Lai và góc khuất về vị trọng tài đạn bắn không thủng nổi tiếng V.League - Ảnh 10.

Việc trọng tài Việt Nam bị CĐV quá khích đuổi đánh là điều không phải chỉ xuất hiện một vài lần (Ảnh minh họa)

"Tổ trọng tài 3 người thì có 2 ông kịp chạy vào buồng. Người giữ cửa, người còn lại sợ quá nhảy cả lên nóc nhà vệ sinh. Khổ nỗi cũng do sợ quá nên hoảng, giữ cửa chặt đến mức để sót cả 1 người bên mình ở ngoài. 

Tôi về nghe kể mà vừa giận vừa buồn cười. Ông ở ngoài thì cứ hô lên "mở ra, mở ra không chúng nó đánh chết anh bây giờ", còn trong thì cứ giữ cửa. Mình thì bảo sợ thì ai cũng sợ thôi, nhưng đã đến nước đấy rồi thì có chết cũng phải đánh lại cho chúng nó biết mặt chứ.

May mà đám thanh niên kia cũng nhát. Chỉ muốn cầm gậy dứ theo vụt một nhát, cầm viên gạch ném cho xong thôi nên cũng không sao. Anh em sau cũng chỉ âm thầm ôn hận thôi chứ cũng chả làm gì.

Hay ở TP.HCM, trọng tài đang đi bộ từ sân về cũng bị đuổi cho chạy te tua. Phải cởi cả áo trọng tài để chui vào nhà dân. Nhiều vụ lắm. Nhưng đã tham gia cuộc chơi thì mình chấp nhận thôi".

Đón đọc phần 2: Bãi nước bọt nhổ thẳng mặt và lần trọng tài V.League bị trăm người quây đánh trên đất võ

Bài viết nằm trong loạt bài SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT. Xem thêm tại đây