Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Tranh cãi gay gắt" trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học

(Dân sinh) - Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định là học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên. Những ngày nay, hai luồng ý kiến giữa phụ huynh và giáo viên diễn ra gay gắt trước vấn đề này.

Quyền được giao cho giáo viên

Theo Điều 37, Thông tư 32 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định chính xác nằm ở mục “các hành vi học sinh không được làm”. Trong đó khẳng định học sinh không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. 

Quy định này được đưa ra nhằm hỗ trợ trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm nguồn học liệu khi có điều kiện và được sự cho phép, hướng dẫn, giám sát của giáo viên trong giờ học trên lớp.

Điều này có nghĩa là quyền được giao cho giáo viên. Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết.

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ không có hướng dẫn cụ thể cho từng giáo viên trong tổ chức quản lý lớp học. Với bài học ở lớp, giáo viên hiểu hơn ai hết việc cần thiết cấm hoặc cho phép học sinh sử dụng. Nếu không cần thiết, giáo viên không cho phép học sinh sử dụng.

 "Tranh cãi gay gắt" trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ - Ảnh 1.

Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết.

Như vậy, thay vì việc cấm hoàn toàn, bộ chỉ cấm những việc dùng không đúng mục đích. Giáo viên được trao quyền tuy nhiên cũng  cần hiểu thật rõ vai trò của mình là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp. Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà bộ đã hướng dẫn nhiều năm qua.Ông Thành cho hay.

Ranh giới giữa game và tra cứu thông tin học tập

Đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi thì việc mua chiếc điện thoại thông minh cho con học là một vấn đề. Bên cạnh đó còn biết bao chi phí khác cho việc học tập. Nếu dùng vào mục đích học tập thì tốt nhưng được bao nhiêu phần trăm các em dùng đúng mực đích hay phần lớn là dùng sai mục đích. rồi các e sẽ ra sao khi trên mạng không thiếu một thứ gì. Điện thoại là thứ tất yếu trong cuộc sống nhưng với độ tuổi học sinh thì nó chưa phai là tất yếu. Mong Chính phủ xem xét lại vấn đề này xin hỏi các phụ huynh đồng tình với quan điểm này thì ở nhà các phụ huynh đã quản con sử dụng điện thoại theo thời khóa biểu mình đặt ra chưa? Có quản được chúng đang làm gì trên chiếc điện thoại không? phụ huynh Lê Đức Quyên chia sẻ.

 "Tranh cãi gay gắt" trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ - Ảnh 2.

Tôi cũng đang lo nếu học theo kiểu đó, con sẽ đi mượn bộ nhớ của Google thay cho việc rèn luyện bộ não (ảnh: minh họa)

Đồng quan điểm, phụ huynh Lê Đức Mạnh nói: Cả lớp đang chăm chú nghe giảng thì có tiếng nhạc báo cuộc gọi hoặc có tiếng "tin tin" báo tin nhắn thì liệu các em khác có tập trung nghe giảng bài được không, gây ồn ào và ảnh hưởng đến những học sinh khác. Giáo viên cũng bị phân tâm theo và ảnh hưởng đến bài giảng. Vì vậy, việc này là con dao hai lưỡi, sẽ tốt đối với những học sinh ham học có ý thức, nhưng sẽ tác hại vô cùng lớn với những học sinh lười học và kéo theo nhiều hệ lụy.

“Tôi cũng đang lo nếu học theo kiểu đó, con sẽ đi mượn bộ nhớ của Google thay cho việc rèn luyện bộ não. Đó còn chưa kể đến nhiều hệ lụy khác như học sinh đua đòi để theo kịp các bạn. Rồi đây, những học sinh nhà nghèo, bố mẹ không đủ điều kiện mua sắm điện thoại cho như các bạn sẽ ra sao?”. Phụ huynh Hà Thanh nói.

Chưa cần các em tra cứu gì, giáo viên chúng tôi chỉ mong các em hiểu những gì giáo viên truyền tải đã là quý rồi, còn muốn mở rộng, đào sâu các em hỏi thày cô trực tiếp hoặc gián tiếp cũng được. Vì vậy, quan điểm của tôi là không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Thầy cô không làm ‘thẩm phán’ trong việc phán xét học sinh có sử dụng điện thoại vào mục đích học tập hay không. Mỗi tiết học chỉ có 45 phút, nếu chẳng may có một vài học sinh sử dụng điện thoại cho việc riêng hoặc chơi game thì giáo viên phải xử lý những trường hợp này sẽ hết thời gian. Như vậy sẽ mất thời gian vô ích, ảnh hưởng đến bài giảng của giáo viên và ảnh hưởng đến các học sinh khác. Thầy Phạm Long chia sẻ.

 "Tranh cãi gay gắt" trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

" Ở trường làm sao thấy cô kiểm soát được hết các em đang xem gì trên điện thoại, ở nhà chưa chắc đã kiểm soát được nói chi lên trường, cần tra cứu thông tin thì máy tính trên trường để làm gì, thư viện để làm gì, nếu như vậy học sinh học online tại nhà, không cần thầy cô nữa hay sao, nếu như cái gì cũng hỏi điện thoại thì bộ não hoạt động cái gì. Thử hỏi như nhà nghèo tiền học phí còn khó khăn huống hồ mua điện thoại để xài. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, thì cái điện thoại cũng vậy, cả một hệ lụy sau này sẽ ra sao. Phụ huynh Hồng Loan nói.

Việc này giáo viên Nguyễn Tấn Ngọc cho rằng, việc học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích tra cứu tài liệu hay tìm thông tin để phục vụ công việc học tập là cần thiết. Đồng quan điểm với một số ý kiến là nhà trường, giáo viên và phụ huynh sẽ hướng dẫn các em sử dụng vào mục đích học tập. Tuy nhiên phụ huynh cũng cần biết rằng hiện nay một lớp học với khoảng 45 học sinh là số lượng rất đông. Thứ hai nữa là một điện thoại có thể mở nhiều ứng dụng và thao tác chuyển từ ứng dụng này qua ứng dụng khác, cửa sổ khác cũng rất nhanh... chỉ sợ các em không sử dụng điện thoại vào mục đích học tập mà sử dụng vào mục đích khác trong giờ học thì càng nguy. 

Tuy nhiên cũng có một số phụ huynh tán thành với quy định này, đây là nhu cầu tất yếu của giáo dục, thời đại công nghệ số, việc tách rời công nghệ và giáo dục là điều không thể. Vấn đề là nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.

“Mọi thứ sẽ phải thay đổi và chúng ta cũng cần phải thích nghi. Thay vì lo lắng, phụ huynh có thể hướng dẫn con tận dụng công nghệ vào việc học tập”, đồng thời cũng cho rằng, cần đầu tư Wifi trong trường học, hay máy tính, máy tính bảng có cài đặt ứng dụng được phép sử dụng. Phụ huynh Nguyễn Tường chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, chị Đào Hồng Ngọc cho rằng, việc cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử để tra cứu trong giờ học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên là điều cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp học sinh truy cập mạng tìm kiếm những thông tin ngoài việc học tập, các nhà trường có thể quy định, chỉ cho học sinh sử dụng điện thoại khi hoạt động nhóm và mỗi nhóm chỉ sử dụng tối đa 2 điện thoại.

Để việc sử dụng điện thoại trong học tập cho hiệu quả, giáo viên có thể sử dụng hai câu lệnh: “Hãy mở điện thoại tìm…” và kết thúc bằng câu: “Hãy đóng máy lại…”. Mọi thứ đều phải thực hiện nghiêm túc, học sinh làm theo câu lệnh mà không cần giáo viên phải nhắc nhở nhiều. Như vậy, sẽ tạo một thói quen tốt cho học sinh ý thức trong học tập và giáo viên sẽ đỡ mất thời gian về việc này. Anh Lý Nguyên chia sẻ.

Như vậy, sự lo lắng, phản ứng của đông đảo phụ huynh về chiếc điện thoại trên lớp học là có cơ sở. Ở đây không phải chuyện “không quản được thì cấm”. Mà lo ngại về những hệ lụy của nó và chưa rõ ràng những quy định về việc sử dụng điện thoại để phục vụ cho học tập cụ thể như thế nào.