Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trao xe lăn, nhận nụ cười!

(Dân sinh) - “Có xe lăn rồi, từ nay tôi không cần phải vất vả chống nạng hay đi mượn xe lăn để di chuyển nữa. Cảm ơn sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm!”, bệnh nhân Trần Đức Mẫn, 61 tuổi, quê tỉnh Nam Định đang điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) xúc động nói.

Có chiếc xe lăn sẽ dễ dàng di chuyển hơn

Trưa 9/7, nhóm các nhà báo nữ tại Hà Nội đến thăm và tặng xe lăn, sữa cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều. Những cái ôm, những câu nói động viên dành cho những bệnh nhân đang truyền hóa chất rất mệt, những bệnh nhân bị u xương không thể di chuyển bình thường khiến người trao, người nhận đều nhạt nhòa nước mắt bởi sự cảm thông, yêu thương.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 1.

Các nhà báo trao tặng xe lăn cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng biên tập báo Thanh niên chia sẻ: Sau khi đi thăm các con khoa Nhi viện K Tân Triều và trao đổi với nhân viên phòng công tác xã hội của bệnh viện tôi được biết, nhiều trẻ em sau khi truyền hoá chất rất mệt không thể tự đi lại, hay những bệnh nhân bị u xương giai đoạn cuối phải cắt bỏ chân tay nên cần xe lăn để di chuyển, trong khi hoàn cảnh các gia đình rất đáng thương. Vì vậy tôi kêu gọi các nhà báo cùng chung tay ủng hộ để trao tặng xe lăn cho các nạn nhân.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 2.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện.

Chiếc xe lăn này sẽ giúp các bệnh nhân dễ dàng di chuyển hơn, việc chăm sóc các bệnh nhân đỡ vất vả hơn. "Món quà tuy không lớn nhưng hy vọng qua đây sẽ lan tỏa giá trị những tấm lòng thiện nguyện để cùng cộng đồng chung tay giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn", nhà báo Đặng Thị Phương Thảo nói.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 3.

Các nhà báo tặng xe lăn, sữa cho các bệnh nhân.

Bà Thảo cho biết, chỉ sau 1 giờ kêu gọi ủng hộ "Trao xe lăn, nhân nụ cười" trên tài khoản facebook cá nhân, đã có 31 nhà báo ủng hộ số tiền 60,8 triệu đồng. Số tiền ủng hộ đã dành mua 31 chiếc xe lăn trị giá 54,25 triệu đồng. Phần còn lại, 6,55 triệu đồng đóng góp vào chương trình "Chuyến xe yêu thương" đưa bệnh nhân về quê. Nhân dịp này, Công ty Cổ phần sữa TH tài trợ 40 thùng sữa tươi dành cho các bệnh nhân.

Là một trong số 31 bệnh nhân được nhận xe lăn đợt này, ông Trần Đức Mẫn không giấu được xúc động bởi sự quan tâm của các nhà báo nữ. Gia đình ông Mẫn làm nông nghiệp, thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Từ khi phát hiện ông bị K phổi di căn phải truyền hóa chất khá tốn kém, gia đình ông càng thêm khó khăn. Đến nay, việc đi lại của ông phải nhờ vào đôi nạng rất vất vả.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 4.

Công ty sữa TH tài trợ sữa để tặng cho các bệnh nhân.

Ông bảo, gia đình cũng tính mua 1 chiếc xe lăn để ông di chuyển dễ dàng hơn nhưng ngặt nỗi tiền không có. Bao nhiêu tiền phải dành mua thuốc men. Những lúc truyền hóa chất xong, việc đi lại càng thêm khó khăn cần phải có người dìu, có hôm ông phải mượn tạm xe lăn của bệnh nhân cùng phòng.

"Mình sẽ tặng lại xe lăn này cho các em bé cần đến, con nhé"

Bà Lê Thị Thoan (Hưng Yên) có chồng Phạm Văn Ngọ (66 tuổi) bị ung thư tủy giai đoạn cuối. "Từ ra Giêng đến nay, chồng tôi nằm một chỗ. Mọi di chuyển của ông phải nhờ sự hỗ trợ của người khác nên rất vất vả, trong khi tôi cũng yếu nên phải nhờ thêm người mới dìu được ông. Những lúc ông muốn ra khỏi phòng đều phải đi mượn xe lăn, rất phiền. Từ nay, được tặng xe lăn rồi, việc đưa ông ra khỏi giường bệnh sẽ dễ dàng hơn".

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 5.

Ông Trần Đức Mẫn cho biết, từ nay có xe lăn ông sẽ dễ dàng di chuyển hơn.

Chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ của em Vũ Đức Thuận (13 tuổi ở Hà Tĩnh) bị u xương quệt nước mắt xúc động khi sáng nay, phòng công tác xã hội của bệnh viên thông báo con được tặng xe lăn. Chị Phượng kể, hai vợ chồng quê Hưng Yên vào Quảng Bình, rồi ra Hà Tĩnh bán hàng rong. Hai vợ chồng tích cóp mãi được 50 triệu đồng để mua lại 1 ki ốt nhỏ trong chợ TP Hà Tĩnh để chị bán quần áo, còn chồng đẩy xe bán quần áo rong. Nhà có 5 miệng ăn, lại phải đi thuê trọ, việc buôn bán ế ẩm nên buổi tối 2 vợ chồng thay nhau đẩy cân đi cân đo sức khỏe dạo.

Đứa con gái lớn của chị học hết lớp 9 thi đỗ vào trường THPT Phan Đình Phùng nhưng vì thương gia đình vất vả nên cháu ở nhà học nghề cắt tóc, gội đầu. Thuận là con trai thứ hai. Suốt 7 năm học, em luôn được giấy khen vì có thành tích học tập tốt. Sau giờ học, Thuận giúp mẹ trông em, làm việc nhà.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 6.

Phó Tổng biên tập phụ trách báo LĐ&XH, báo điện tử Dân sinh Nguyễn Thu Hằng ân cần thăm hỏi, tặng quà cho các bệnh nhân.

Đợt nghỉ dịch Covid-19, Thuận đi đá bóng về và bảo với mẹ đau mỏi chân. Chị Phương đưa con đi khám nhưng được chuẩn đoán bong gân, bong sụn. Uống thuốc không đỡ, chị quyết định đưa con đến bệnh viện 115 tại TP Vinh khám thì bác sĩ kết luận con bị U xương.

"Khi tôi đưa con ra bệnh viện K, cháu đã bước sang giai đoạn 2. Chân của con hiện vẫn đau cộng với việc truyền hóa chất nên cơ thể yếu ớt. Việc đi lại của con phải có sự hỗ trợ của bố mẹ", chị Phượng kể.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 7.

TBT Thời báo Ngân hàng Nguyễn Lan Anh và TBT báo Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng chia sẻ với bệnh nhân.

Con đi nằm viện, chị Phượng cùng chồng phải nghỉ bán hàng. Thanh lý hết hàng, được bao nhiêu chị dành hết để chữa trị thuốc men cho con. Chị Phượng nghẹn ngào: "Sáng nay, khi nghe phòng công tác xã hội của bệnh viện thông báo con được tặng xe lăn, con vui lắm. Con hỏi: Ít hôm nữa, con có được mang xe lăn này về Hà Tĩnh không? Tôi bảo: Mẹ chỉ mong con nhanh khỏi bệnh để được về nhà, lúc đó mình sẽ tặng lại xe lăn này cho các em bé cần đến, con nhé".

Với rất nhiều gia đình bệnh nhân đang điều trị ung thư tại bệnh viện K, việc có được chiếc xe lăn sẽ giúp bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn, người nhà chăm sóc bệnh nhân thuận tiện hơn. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để mua...

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 8.

TBT tạp chí Chất lượng và cuộc sống Đặng Thị Kim Hiên thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân.

Anh Lê Tuấn Thăng, chồng của chị Trần Thị Nga (41 tuổi) quê ở huyện Bình Lục, Hà Nam bị ung thư vú, di căn sang xương. Gia đình anh Thăng, chị Nga làm ruộng. Cuộc sống 4 miệng ăn trong gia đình trông chờ và 2,6 sào ruộng không đủ chi tiêu nên hàng ngày anh đi làm thêm phụ hồ, thợ xây, chị may thuê cho các xưởng gia công. Đứa con lớn năm nay học lớp 5, đứa bé lẽ ra học lớp 1 nhưng bị tăng động giảm chú ý nên đành phải gửi trường tư, mỗi tháng hơn 4 triệu đồng.

Cách đây 1 năm, chị Nga đi khám và phát hiện ung thư vú giai đoạn 1. Chị không dám lên Hà Nội điều trị phần vì sợ tốn kém, phần vì nghe theo người dân: Bị K thì không nên động dao kéo vào! Có bao nhiêu tiền, anh lặn lội đi khắp các tỉnh miền Bắc để cắt thuốc Nam, thuốc Bắc cho chị uống nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm và ngày càng trở nặng.

Hơn 1 tháng trước, chị mệt nằm một chỗ. Anh Thăng đưa vợ lên Hà Nội khám thì bác sĩ kết luận bệnh đã chuyển sang giai đoạn 3. K di căn sang xương nên chị ăn, nằm một chỗ. "Đây là bài học đắt giá để các bệnh nhân rút kinh nghiệm nếu không may bị bệnh. Đó là nên đến cơ sở y tế để điều trị, tránh tiền mất tật mang như gia đình tôi. Thật may, nhận được xe lăn của các nhà tài trợ sẽ giúp vợ tôi di chuyển sẽ dễ dàng hơn", anh Thăng nghẹn ngào nói.

Trao xe lăn, nhân nụ cười… - Ảnh 10.

Trong chuyến tặng quà trước, em bé Liễu 13 tuổi bị u não ước có một bộ cá ngựa để chơi. Lần này trở lại bệnh viện K, nhà báo Phương Thảo đã tận tay trao tặng em bộ đồ chơi cá ngựa với mong muốn em sẽ luôn lạc quan, yêu đời để chiến thắng bệnh tật.

31 người được nhận xe lăn là 31 hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Hy vọng, món quà nhỏ nhưng rất thiết thực sẽ là nguồn động lực để giúp các bệnh nhân thêm lạc quan, hạnh phúc để điều trị và chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác!