Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trẻ cần được trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước

(Dân sinh) - Ngày 10/8, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quan tâm của bạn, sinh mạng của trẻ” về chủ đề phòng, chống đuối nước trẻ em.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, gia đình và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, xã hội, tình trạng đuối nước trẻ em trong những năm qua có những chuyển biến tích cực. Năm 2010, mỗi năm có khoảng 3.300 trẻ tử vong do đuối nước thì đến nay đã giảm xuống còn khoảng 2.000 trẻ. Trong đó, đuối nước trong cộng đồng chiếm khoảng 76% và đuối nước thường xảy ra vào mùa hè từ tháng 5 đến 9.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Thứ trưởng Hà cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em. Đó là do nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức, sự bất cẩn của người lớn. Quá trình giám sát, trông trẻ vẫn còn coi thường sự nguy hiểm đối của nguy cơ đuối nước với trẻ em. Bên cạnh đó, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Thiên tai, mưa, lũ cũng là nguyên nhân gây tử vong đuối nước trẻ em.

Trẻ cần được trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng: Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả cộng đồng và chính gia đình, trẻ em cùng phòng chống đuối nước.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ trẻ em biết bơi còn thấp. Các tỉnh, thành đều thiếu bể bơi, đội ngũ giáo viên rất ít. Nhiều em biết bơi nhưng thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước: Kỹ năng cứu bạn, kỹ năng tránh những vùng nước nguy hiểm (nước xoáy); cách xử lý khi bị chuột rút… Việc chấp hành luật pháp chính sách còn chưa tốt khi tham gia giao thông, đi tàu thuyền, khi xây dựng các công trình cũng là nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em. Ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thủy còn chưa cao. Cùng với đó, nguồn lực dành cho công tác phòng chống tai nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng còn ít.

Trẻ biết bơi thôi chưa đủ

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam, không ít trẻ biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước. Theo TS Kidong Park: Trẻ biết bơi thôi chưa đủ mà trẻ cần phải được học các kỹ năng an toàn dưới nước.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 3.

Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park phát biểu tại Tọa đàm.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra 6 can thiệp và 4 giải pháp để phòng chống đuối nước. Theo đó, 6 can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em bao gồm: Tạo môi trường an toàn tránh xa nguồn nước cho trẻ mầm non; làm rào để kiểm soát trẻ tiếp cận nguồn nước; dạy cho trẻ em tuổi tiểu học biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; xây dựng khả năng chống chịu rủi ro, quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy như tàu, thuyền, phà.

4 Chiến lược hỗ trợ can thiệp gồm: Khuyến khích phối hợp đa ngành; tăng cường nhận thức của nhân dân về phòng chống đuối nước thông qua truyền thông có chiến lược; thiết lập kế hoạch an toàn đường thủy quốc gia; nghiên cứu phòng chống đuối nước trẻ em thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu bài bản.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Anh Tú, đại diện phụ huynh cũng cho rằng, từ trước đến nay luôn nghĩ cho con học bơi để phòng chống đuối nước là đủ mà không biết rằng, trẻ cần phải được học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Anh Tú cũng đưa ra một thực tế, hiện các địa phương đều thiếu bể bơi và giáo viên dạy bơi; thậm chí, ngay cả người dạy bơi cũng không biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Anh Tú đề xuất, cần đẩy mạnh dạy bơi đến trẻ em và đặc biệt tổ chức các giải bơi để thu hút sự thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 5.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền cho rằng, triển khai phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng cần lấy trẻ em làm trung tâm.

Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, triển khai phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng cần lấy trẻ em làm trung tâm và đưa ra giải pháp hài hòa, tổng thể. Bất kỳ môi trường nước nào có trẻ ở đấy đều tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em. Bà Huyền lấy ví dụ, đã có những vụ đuối nước trẻ em xảy ra ngay trong chính lớp học bơi là điều đáng tiếc.

Năm 2018, Tổ chức Vận động chính sách toàn cầu phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, WHO triển khai dự án "Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam" tại 8 địa phương. Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ biết bơi của trẻ tại 8 địa phương nay đã tăng từ 14% lên 24% và tỷ lệ đuối nước tại đây cũng đã giảm đáng kể. Những giáo viên dạy bơi cho các em không chỉ dạy bơi mà còn dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

"Một số phụ huynh tại nhiều vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn ở: Đắk Lắk, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa... từng chia sẻ, nếu không có sự hỗ trợ của Dự án thì con của họ sẽ mãi không được học bơi. Nếu không tiếp cận can thiệp phù hợp, không mang lại cho trẻ em cơ hội quý thì trẻ mãi không biết bơi. Vì thế, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và của cả cộng đồng", bà Huyền nhấn mạnh.