Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trên 2 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

Đây là con số được công bố tại Hội thảo “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam”.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước. Trong 54 dân tộc thì có 53 dân tộc thiểu số với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới, xen cư với nhau, sống thành cộng đồng tập trung chủ yếu ở 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố, là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa thể đáp ứng tốt cho cuộc sống cũng như phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Trên 2 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư vào phát triển sản xuất.

Quán triệt các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Số liệu thống kê cho thấy, đến 31-8-2019, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

Kết quả, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở...

Các chuyên gia tham dự hội thảo đều nhận định: Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%, giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,3% xuống còn 5,35%, đặc biệt là giảm nghèo trong khối đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại hội thảo đồng chí Đỗ Văn Chiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết: nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ mặc cảm, tự ti, nay đồng bào đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hay còn gọi là tín dụng đen.