Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập do Covid-19

(Dân sinh) - Ngày 3/6, tại Hà Nội Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tập đoàn Manpower Group tổ chức hội thảo trực tuyến "Kinh nghiệm quốc tế về tạo việc làm và kinh doanh bền vững trong trạng thái bình thường mới". Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì hội thảo.

Trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập do Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội.

"Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý 1/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động", Thứ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 trở đi, số lao động quay trở lại làm việc đang tăng lên. Trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc quy trở lại làm việc. Để thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động sâu rộng hơn, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web việc làm quốc gia. Trước mắt, sẽ nghiên cứu để trang web góp phần giải quyết chính sách BH thất nghiệp cho NLĐ trong điều kiện tránh tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm cho NLĐ qua việc kết nối, tư vấn, hướng dẫn NLĐ lựa chọn ngành nghề, trường nghề, kết nối với doanh nghiệp...

Đồng thời, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ Quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ nhằm nâng cao tay nghề; chuyển đổi việc làm cho thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập do Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo điểm cầu Hà Nội (về COVID-19 và thị trường lao động: Người lao động, doanh nghiệp và các nhóm dễ bị tổn thương)

Chia sẻ tại hội thảo, ông Sam Haggag, Tổng Giám đốc Manpower Group kiêm Giám đốc Dịch vụ Cung ứng lao động tạm thời khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, để chuẩn bị cho sự trở lại trong trạng thái bình thường mới, sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan, từ Chính phủ và chủ doanh nghiệp đến công đoàn và các viện nghiên cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng. "Trong trạng thái mới này, sự trở lại với thế giới việc làm một cách có kỷ luật là chìa khóa then chốt giúp phục hồi nền kinh tế. Tại Singapore, Malaysia, Thái Lan… một loạt các ngành công nghiệp như hàng không, dịch vụ mặt đất, dịch vụ vận tải công nghệ… đã dành những nỗ lực to lớn để phân bổ lại lực lượng lao động một cách phù hợp".

Cập nhật về tình hình thị trường lao động Việt Nam dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, tháng 5/2020, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN là 157.945 người, bằng 155,2% so với tháng 4/2020 (101.800 người) và bằng 144,2% so với tháng 5/2019 (109.569 người).

Trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập do Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm

Dự báo về thị trường lao động trong tháng 6 và quý II/2020, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, tình hình lao động ngừng việc có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc. Khi đó có 3 kịch bản thị trường lao động. Còn nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến xấu, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số mất việc làm hàng tháng 90 - 100 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng 90%, số lao động ngừng việc 6,1 - 7,2 triệu người.

Trước những kịch bản trên, để đảm bảo lao động cho sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, Cục Việc làm đưa ra một loạt các giải pháp như: Chủ động nắm bắt thị trường lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ; chỉ đạo hệ thống TTDVVL tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn NLĐ hưởng TCTN; ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu lao động; kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ người sử dụng lao động chủ động đào tạo, nâng cao trình độ NLĐ...

Trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập do Covid-19 - Ảnh 4.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm