Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"

Sáng nay (8/5), tại Hà Nội, chương trình Giao lưu trực tuyến “Ai sẽ được hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ đồng” đã được Bộ LĐ-TB&XH và báo Dân trí tổ chức. Tại Chương trình nhiều câu hỏi liên quan đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của độc giả đã được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh và Vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Thanh Việt giải đáp. Cùng tham gia giải đáp trực tuyến ở điểm cầu Hà Nam còn có ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam.

"Ai sẽ được hưởng lợi từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng?" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh (thứ 2 từ phải qua) và Vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Thanh Việt tham gia Chương trình.

Giải đáp những thắc mắc về nhóm lao động tự do

Trả lời những câu hỏi về nhóm đối tượng lao động tự do thuộc diện hỗ trợ của gói an sinh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là gói hỗ trợ toàn diện. Qua đó khẳng định chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, mang tính cấp bách dành cho người dân và doanh nghiệp, giúp chia sẻ bớt gánh nặng, khó khăn.

Trong số các nhóm đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội này, thì nhóm đối tượng lao động phi chính thức, mà chúng ta hay gọi là lao động tự do, có công việc bấp bênh, thay đổi nhiều và thu nhập không ổn định... Vì vậy, đây là nhóm đối tượng khó chi trả nhất vì rất khó được xác định đối tượng này.

"Ai sẽ được hưởng lợi từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng?" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh trả lời các câu hỏi của độc giả.

Do vậy, khi thiết kế xây dựng chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH xác định trước hết lao động tự do như là những người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, người thu gom phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, người bán vé số... Để nhận được tiền hỗ trợ, người đối tượng này phải đáp ứng điều kiện trước hết là mất việc, không có thu nhập, hoặc thấp hơn chuẩn cận nghèo. Bên cạnh đó người lao động phải có cư trú hợp pháp tại địa phương (thường trú hoặc tạm trú).

Ngoài đối tượng nêu trên, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định các căn cứ, các điều kiện để tùy tình hình thực tế ở địa phương có thể mở rộng thêm đối tượng này. Các địa phương có thể tùy tình hình cụ thể mở rộng đối tượng tùy theo ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương chi trả cho các đối tượng được mở rộng nhưng mức hỗ trợ thì đều bằng nhau. Quy định đã đưa ra mức hỗ trợ mỗi người được 1 triệu đồng một tháng mất việc. Cho nên dù ở tỉnh này hay tỉnh khác thì các đối tượng là lao động tự do thì hưởng mức như nhau. Chỉ khác nhau thời gian mất việc, có người mất việc một tháng, hai tháng hay ba tháng, nhưng tất cả chỉ được hỗ trợ tối đa là ba tháng.

Liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ xã phường, thôn bản khi triển khai, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, chính quyền cấp xã là người hiểu sâu sắc nhất, rõ nhất và đồng thời phát huy được vai trò của người dân tại địa phương trong việc lập danh sách, cũng như việc kiểm tra các đối tượng có phù hợp với chính sách của chúng ta hay không. Chính vì vậy, đối với gói an sinh xã hội này chính quyền địa phương cấp xã giữ vai trò hết sức quan trọng.

"Ở cấp xã chúng ta phát huy được sự dân chủ của người dân, người dân có thể giám sát cũng như thực hiện gói an sinh xã hội này. Những việc gì ở cơ sở có lẽ là người dân nắm được hết và có thể giám sát được, qua đó hiểu được đối tượng nào là đúng. Cụ thể như đối tượng nào là mất việc làm, đối tượng nào giảm thu nhập, đối tượng nào có thu nhập rất thấp dưới chuẩn nghèo...Cho nên cấp xã phải phát huy được vai trò của người dân địa phương, đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với cán bộ cấp xã giám sát trong việc lập danh sách các đối tượng. Như vậy, tôi tin tưởng rằng, danh sách chúng ta lập ra hoàn toàn đúng đối tượng, và việc chi trả cũng sẽ nhanh chóng đến tay người dân"- Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, khi danh sách được lập ra, Chủ tịch UBND tỉnh thành chịu trách nhiệm chỉ đạo, rà soát, xem xét và phê duyệt. Danh sách được lập từ thôn, tổ dân phố, nên được niêm yết công khai ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, cũng đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các cấp, trong đó cấp xã phải chịu trách nhiệm trên địa bàn xã của mình.

Đối với doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước danh sách lập ra để hỗ trợ các đối tượng. Bản thân các đối tượng cũng phải chịu trách nhiệm, trước hết phải rà soát xem mình thuộc đối tượng nào và cũng phải có những bản kê khai trung thực. Nếu như đối tượng thuộc diện 2 chính sách trở lên, thì họ chỉ được hưởng một chính sách cao nhất. Có những đối tượng tự nguyện không hưởng thì họ cũng sẽ thông tin không hưởng chính sách này. "Mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh việc lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Đồng thời đưa ra những chế tài xử lý nghiêm vi phạm đối với những người trục lợi chính sách này, dù đó là cán bộ, công chức, người dân hay doanh nghiệp"- Thứ trưởng cho hay.

Điều kiện để doanh nghiệp và người lao động có hợp đồng được hưởng hỗ trợ

Câu hỏi của độc giả: Quyết định 15/QĐ-TTg đã quy định rõ điều kiện để người lao động tạm dừng HĐLĐ nhận hỗ trợ, trong đó có cả điều kiện đi kèm là doanh nghiệp không còn doanh thu. Tuy nhiên nhằm hạn chế những sai phạm có thể xảy ra, chúng ta sẽ có giải pháp gì để tránh tình trạng trục lợi khi người lao động và doanh nghiệp cùng thoả thuận kê khai để hưởng mức hỗ trợ, dù chưa đáp đứng được các tiêu chí trong quy định?

"Ai sẽ được hưởng lợi từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng?" - Ảnh 3.

Các câu hỏi liên quan đến nhóm lao động có hợp đồng được bà Phạm Thị Thanh Việt - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ –TB&XH giải đáp.

Trả lời vấn đề này bà Phạm Thị Thanh Việt - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ –TB&XH cho biết, một nguyên tắc đặt ra trong Nghị Quyết 42 là việc hỗ trợ đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để trục lợi, chỉ hỗ trợ những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tức là gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Vì vậy:

Thứ nhất, đối với những người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì trong DN có 3 đIều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện lao động và nghỉ không lương từ 1/4/2020- 1/6/2020; Người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội ngay trước thời điểm tạm hoãn thực hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Người lao động phải làm việc trong DN không có doanh thu và không có thu nhập để trả lương.

Hồ sơ để chứng minh các điều kiện mà DN và NLĐ phải chứng minh: Danh sách NLĐ tạm hoãn phải có xác nhận của công đoàn cơ sở và của BHXH về thời gian tham gia BHXH của mình. Bản sao báo cáo tài chính 2019 và Q1/2020 để chứng minh DN không có doanh thu hoặc người sử lao động không có nguồn tải chính để trả lương.

Trình tự, thủ tục để hồ sơ được phê duyệt rất chặt chẽ từ nộp hồ sơ lên cơ quan cấp huyện thì phải được UBND cấp huyện thẩm định, có sự tham mưu của cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp huyện. Sau đó gửi hồ sơ lên Chủ tịch tỉnh để tiếp tục xem xét và phê duyệt. Chính sách cũng quy định rất rõ về chế tài xử lý vi phạm đối với các đối tượng cố tình trục lợi chính sách thì có thể xử lý về vi phạm hành chính và vi phạm hình sự.

Tương tự độc giả nêu băn khoăn có sự khác biệt trong việc hỗ trợ người sử dụng lao động nhận hỗ trợ quy định trong NQ 42/NQ-CP và QĐ 15QĐ-TTg. Cụ thể: NQ 42 quy định "Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên... thì được tạm hoãn đóng BHXH...". Trong khi đó, QĐ 15/QĐ-TTg chỉ quy định từ 20 % lao động tham gia BHXH bị ngừng việc...thì được vay tiền để trả lương..."

Bà Phạm Thị Thanh Việt cho biết, đây là 2 chính sách hoàn toàn khác nhau đối với người sử dụng lao động. Thứ nhất là chính sách vay vốn để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Thứ 2 là chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất.

Vì là 2 chính sách khác nhau nên căn cứ để tính số người lao động với 2 chính sách cũng khác nhau. Nếu chỉ thoáng nhìn thì tỷ lệ 20% hay 50% là khác biệt bởi vì dựa trên cách tính NLĐ với chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ thì số lao động ở đây căn cứ trên 20% hoặc 30 NLĐ trở lên trong DN bị ngừng việc. Đối với chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất thì lấy mốc là phải giảm từ 50% tại thời điểm DN lập hồ sơ đề nghị so với thời điểm tháng 1/2020.

Số lao động tính giảm này bao gồm: Số NLĐ chấm dứt HĐLĐ trừ đi số lao động tăng mới; Số NLĐ bị ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên; Số NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ 14 ngày làm việc trở lên; Số NLĐ thoả thuận nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên. Với 2 cách tính về số lao động của 2 chính sách khác nhau nên hoàn toàn hợp lý vì tử số tính về NLĐ là khác nhau.

Câu hỏi: Tôi mới nhận trợ cấp thất nghiệp được 2 tháng. Tới thời điểm thông báo của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tôi vẫn là lao động tự do. Vậy, tôi có cùng lúc được hưởng 2 chế độ: Trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ cho lao động tự do hay không? Lý do? Và nếu được thì phải làm gì?

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, thứ nhất để lao động tự do được nhận hỗ trợ từ chính sách này là điều kiện về mức thu nhập. NLD tự do phải có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo, đó là 1 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đối với những địa phương có chuẩn nghèo riêng thì sẽ áp dụng theo chuẩn riêng.

Câu hỏi bạn đưa ra là bạn đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã được hưởng 2 tháng. Theo cách tính của bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp là hưởng 60% bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ. Theo thông tin bạn cung cấp thì tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn để tính trợ cấp thất nghiệp căn cứ của tiền lương năm 2019, mà mức tiền lương tối thiểu vùng của năm 2019 thấp nhất là vùng 4 với số tiền 2.920.000/tháng. Như vậy, tính sơ qua thì mức trợ cấp thất nghiệp thấp nhất là 60% của 2.920.000, nên tính ra sẽ là 1.752.000 đồng. Do vậy, với mức 1.752.000 đồng của mức thấp nhất có thể bạn sẽ hưởng thì so sánh vào điều kiện của lao động tự do phải có mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo. Như vậy, bạn sẽ không được hưởng chính sách của gói an sinh khi bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo tiêu chí doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho lao động tại QĐ 15/QĐ-TTg có nêu doanh nghiệp phải không có nợ xấu mới được vay vốn. Vậy xin hỏi không có nợ xấu ở đây được hiểu là nợ đóng BHXH, chậm nộp thuế hay nợ xấu ở các khoản vay tại ngân hàng?

Bà Thanh Việt trả lời, về chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc thì bạn đang hỏi về nợ xấu thì điều kiện thứ nhất là không có nợ xấu tại các tổ chức tính dụng hoặc ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Điều kiện thứ 2 là liên quan đến đóng BHXH, là NLĐ và DN phải tham gia đóng BHXH tại thời điểm ngay trước ngừng việc.