Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống mại dâm

(Dân sinh) - Để giảm thiểu tệ nạn mại dâm cũng như hệ lụy của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội, trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn.

Phòng ngừa là chính

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thời gian qua những người hoạt động mại dâm có khuynh hướng khép kín, tinh vi (thông qua Internet), tổ chức người đeo bám lực lượng chức năng để nắm tình hình đối phó. Họ điều động gái mại dâm bên ngoài và thỏa thuận khi bị bắt không khai báo về người tổ chức, môi giới, giá mua bán dâm...

Đặc biệt xuất hiện các đường dây tổ chức bán dâm có sự tham gia của người mẫu, diễn viên, sinh viên… tại khách sạn cho các thương gia, giới làm ăn có nhiều tiền.

Trước tình hình này, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã phối hợp với các Sở- ngành và các Đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân và gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống mại dâm - Ảnh 1.

TP.HCM tổ chức chương trình phòng chống mại dâm

Theo ông Lê Minh Tấn, GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Công tác phòng, chống mại dâm luôn được Thành ủy, UBND TP quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Do đó, tình hình tệ nạn mại dâm phần nào đã được kiểm soát, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bằng nhiều biện pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp. Tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm, khu vực, tuyến đường và cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động mại dâm; đồng thời gắn với các biện pháp xử lý hành chính để răn đe giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả nhằm hạn chế đến mực thấp nhất tình hình phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Ông Lê Minh Tấn, GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Ông Đoàn Hải Nam, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre chia sẻ: Đối với công tác phòng, chống mại dâm, Bến Tre triển khai thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống phòng, chống mại dâm đến với toàn dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mại dâm, làm cho mọi người tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc. Nhờ đó, tình trạng mua bán dâm được kéo giảm trong 9 tháng đầu năm 2019.

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm gần đây có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh. Kéo theo đó là tình hình tội phạm và mua bán dâm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác phòng, chống mại dâm được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Minh Quốc Cường, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho hay: Thời gian qua, lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thường xuyên phối hợp tiến hành kiểm tra và quản lý chặt chẽ địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác khảo sát, quản lý địa bàn, toàn tỉnh hiện có 2.790 cơ sở kinh doanh cà phê, giải khát; 495 cơ sở kinh doanh karaoké các loại ; 2.216 nhà hàng ăn uống; 106 cơ sở massage; 4 bar bia, cà phê nhạc; 185 khách sạn, nhà nghỉ; 18.761 cơ sở cho thuê lưu trú… Đây cũng là nơi dễ diễn ra tình trạng mua bán dâm, vì vậy,  Đội Kiểm tra liên ngành tỉnh và các huyện, thị tiến hành thanh, kiểm tra liên tục nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán dâm diễn ra.

Hỗ trợ người bán dâm làm lại cuộc đời

Bên cạnh công tác phòng, chống mua bán dâm, các địa phương còn xây dựng các mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm hại và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người bán dâm.

Ông Lê Minh Tấn chia sẻ: Để góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mại dâm là phải phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm... nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, TP.HCM còn triển khai thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống tội phạm.

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống mại dâm - Ảnh 4.

Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm

Đồng thời phối hợp với trung tâm phát triển sáng kiến hỗ trợ cộng đồng thực hiện mô hình hỗ trợ can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Duy trì thực hiện mô hình " Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" và mô hình "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm". Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng là người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và người nghi vấn hoạt động mại dâm nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa và giảm hại.

Tham gia cùng các huyện, thị xã, thành phố tiến hành phúc tra, chấm điểm các xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2019, tiến hành đăng ký xây dựng xã, phường lành mạnh năm 2020.

Riêng tỉnh Bình Dương luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự xã hội, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm . Các ngành luôn chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Đặc biệt là phối hợp xây dựng các mô hình phòng, chống tệ nạn mại dâm hiệu quả, như mô hình camera  giám sát an ninh, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, Tổ an ninh nhân dân, Tổ nhân dân tự quản, Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ, mô hình Tiếng kẻng an ninh…. Ông Quốc Cường cho hay.