Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Triển khai thuế tối thiểu toàn cầu: Đảm bảo chính sách thu hút đầu tư

(Dân sinh) - Tại buổi Họp báo, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình thực hiện thu, chi NSNN quý I/2023. Đáng chú ý, trong đó, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế đã được thông tin và giải đáp.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Thu ngân sách nhà nước tăng 1,3%

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lũy kế thu quý I ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương đạt 37,6% dự toán; Ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).

Số thu nội địa quý I đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,...) theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2023.

Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.

Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Bộ Tài chính cũng cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Cũng theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/3/2023, đã thực hiện phát hành gần 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm, lãi suất bình quân 4,26 %/năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đảm bảo thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu hiệu quả

Liên quan đến nội dung thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, với thuế tối thiểu theo chương trình BEPS (hiện 143 nước tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100), để tránh cạnh tranh, các nước đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%.

Một số đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sẽ áp dụng từ năm 2024. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam.

Thông tin thêm về vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, vào tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) vào tháng 8/2022, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng.

Tháng 2/2023, Bộ Tài chính thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng nhóm. Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngày 28/3/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu và nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.

Đối với phản ánh về việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định Tổng cục Thuế đã triển khai khảo sát, đánh giá và đã có báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ 17 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Hiện Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội chấp thuận việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025 theo đúng trình tự Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ.