Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trò Đùa Của Sự Ngẫu Nhiên: Giải mã bí ẩn quanh những điều tình cờ

Đúng như tên gọi của nó, "Trò đùa của sự ngẫu nhiên: Giải mã bí ẩn quanh những điều tình cờ" của Nassim Nicholas Taleb là một cuốn sách viết về sự ngẫu nhiên. Cuốn sách được tờ Financial Times nhận định là "thật sự xuất sắc và đầy khiêu khích, đã phá bỏ ranh giới của các chuyên ngành".

Trên thực tế, "Trò đùa của sự ngẫu nhiên" tập hợp đầy đủ những phẩm chất của một cuốn sách mà đối tượng của nó là sự ngẫu nhiên – một chủ đề quen thuộc nhưng lại vô cùng phong phú của toán học, và một hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử kinh tế học, từ khi ngành này ra đời, các cuộc khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của các tổ chức tài chính.

Taleb đã xuất phát từ nền tảng toán học để diễn giải các hiện tượng kinh tế, để giải thích cho sự thành công và tính bất định của nền kinh tế, của xã hội, sinh học tiến hóa, tư duy phi tuyến tính. Song "Trò đùa của sự ngẫu nhiên" cũng không phải là một cuốn sách khó đọc dành cho các chuyên gia nghiên cứu kinh tế. Độc giả phổ thông cũng có thể đọc cuốn sách này như một cuộc phiêu lưu theo sự dẫn dắt của tác giả, để đồng hành tới những cuộc giao dịch tài chính có thể quyết định số phận của cả một quỹ chứng khoán hay tập đoàn tài chính tỷ đô.

Nằm trong một tổng thể lớn hơn, "Trò đùa của sự ngẫu nhiên" là cuốn sách đầu tiên trong series "Incerto" (Tính bất định) của tác giả Nassim Taleb. Tác giả nói rằng "cuốn sách này không phải một luận thuyết, và càng không phải công trình khoa học". Ông muốn cuốn sách của mình gần gũi hơn với người đọc, nhưng dưới áp lực của bạn bè và độc giả, qua các lần tái bản, ông đã phải bổ sung thêm phần tài liệu tham khảo và công trình có liên quan. Phương châm của ông là muốn trêu chọc những người đề cao quá mức bản thân và lượng kiến thức của mình.

Bằng ví dụ đầu tiên là Nero Tulip, bản ngã thứ hai của Nassim Taleb, ông đã lần lượt giới thiệu sự ngẫu nhiên và tư duy – hai nhân vật chính của cuốn sách, ông kể lại cuộc chạm trán đầy kịch tính bằng một giọng văn đầy tinh thần châm biếm, hóm hỉnh nhưng lại khách quan và khoa học, kết thúc bằng một (vài) bi kịch Hy Lạp điển hình, đan xen giữa mạch lập luận đầy khiêu khích cho những ai có tinh thần tò mò là những "tình huống" vừa có chức năng làm sáng tỏ vấn đề, vừa mở rộng thêm để tác giả và người đọc có thời gian suy nghĩ và bình luận theo quan điểm của chính mình. Taleb không chỉ xử lý quanh vấn đề xác suất thống kê và kinh tế học; trong cuốn sách, ta còn có thể đọc được những phân tích rất thú vị về tâm lý học, xã hội học của David Hume, triết học và khoa học của Karl Popper, tài chính của George Soros… Những hiện tượng mà ta tưởng chừng như hiển nhiên ở ngoài đời sống đã được Taleb phân tích khiến ta phải một là nữa phải sửng sốt, ồ hóa ra không phải là như thế, hóa ra những thứ mà ta coi là hiển nhiên ấy bản thân nó lại chứa những sự ngẫu nhiên bất đối xứng.

Trò Đùa Của Sự Ngẫu Nhiên: Giải mã bí ẩn quanh những điều tình cờ - Ảnh 1.

"Trò đùa của sự ngẫu nhiên" là cuốn sách thuộc series "Incerto" (Tính bất định) của Nassim Taleb

Cuốn sách có thể đem đến cho người đọc một hình tượng như thế nào về công việc giao dịch tài chính và nghiên cứu kinh tế? Người làm trong lĩnh vực kinh tế, tốt nhất nên là người thành công, tạo ra nhiều giá trị và kiếm được nhiều tiền (thực tế là như vậy). Công việc đó bắt đầu bằng việc mua một vài mã cổ phiếu bằng cách hét lên điên loạn và ra hiệu bằng tay. Nhưng để làm được việc này, giao dịch viên phải "đè đầu cưỡi cổ nhau": họ phải bằng mọi giá tìm ra những kẽ hở của những người tiền bối lão luyện lẫn những người đồng nghiệp cùng thời với mình, và tất cả những gì bị giấu, bị ngụy trang, những con thiên nga đen nằm ẩn nấp trong bầy thiên nga trắng. Sự ngẫu nhiên luôn là một khái niệm trừu tượng, luôn được người ta nghiên cứu và xây dựng nên những lý thuyết riêng.

Nhưng mối tương quan giữa sự ngẫu nhiên và tư duy nghiên cứu trong cuốn sách của Taleb không chỉ thể hiện bằng ngôn từ. Trên thực tế, trò đùa mà sự ngẫu nhiên bày ra trước mắt chúng ta có thể được hiểu như những điểm phi tuyến tính hoàn toàn bất ngờ của cuộc sống. Theo đó, thành công, trái với định kiến phổ biến xem nó như sự nỗ lực chăm chỉ hay trí thông minh thiên tài, lại hoàn toàn là do may mắn, gắn bó thân thiết với xác suất thống kê. Tính ngẫu nhiên được Taleb suy luận từ cấp độ ví dụ cho tới tư duy siêu hình trừu tượng, và là một bài tập mà một người quan tâm tới kinh tế, toán học  rất cần phải suy nghiệm.

Cuốn sách này, với những người muốn cởi trói tư duy, có thể là một chia sẻ thiết thực về cái gọi là thiên kiến kẻ sống sót, tức là một loại thiên kiến về tư duy mà người ta thường hay mắc phải khi nhìn vào kết quả của một vấn đề nào đó. Khi muốn xác thực cho một luận điểm của mình, người ta thường hay có xu hướng chọn ra những thông tin có lợi cho mình mà bỏ qua những thiên nga đen. Ví dụ như khi nói về người thành công, người ta thường tin rằng họ có được điều đó là do chăm chỉ, hoặc có tài năng thiên bẩm nhưng quên mất rằng cũng có rất nhiều người làm những điều tương tự nhưng thất bại. Có thể hiểu vì sao những kiến giải của Taleb có thể cung cấp cho chúng ta những cách nghĩ, cách hiểu khác phức tạp hơn về sự may mắn và tính ngẫu nhiên. Bạn có thể ngẫu nhiên có được thành công một cách may mắn, nhưng không phải là sự ngẫu nhiên nào cũng dẫn tới sự may mắn.

Trò Đùa Của Sự Ngẫu Nhiên: Giải mã bí ẩn quanh những điều tình cờ - Ảnh 2.

Tác giả Nassim Nicholas Taleb là chuyên gia phân tích rủi ro. Các công trình nghiên cứu của ông gắn chặt với các chủ đề liên quan tới xác suất, rủi ro, sự ngẫu nhiên và tính bất định.

Trong cuốn sách này, người ta có thể ngạc nhiên trước những luận đề mà Taleb đưa ra: suy ngẫm về lịch sử dưới góc nhìn toán học, mối liên hệ giữa thống kê, sinh học và y khoa, chúng ta mù lòa về xác suất… Ông đưa ra cách kiến giải của bản thân, nhưng quan trọng hơn, đó là ông khiến cho những ai đọc cuốn sách phải tiếp tục suy tư, phải tự đặt câu hỏi cho chính mình về cái khả thể, liệu rằng có những gì mang tính ngẫu nhiên đang diễn ra ngoài kia?

Ngay với tác giả, ông cũng phải thừa nhận rằng chính mình dù đã nghiên cứu nhưng bản thân ông không hề miễn dịch với tính bất định của sự ngẫu nhiên: ông đã lựa chọn kết thúc cho cuốn sách của mình bằng cái chết của Nero Tulip, nhân cách thứ hai của mình như đã nói ở trên, nhưng không phải do bệnh tật, mà là do hoàn toàn nắm bắt những rủi ro tài chính nhưng lại không xét đến, những rủi ro về các định luật vật lý, một cái chết ngẫu nhiên, một con thiên nga đen trăm phần trăm.