Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trợ lực giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Trong 6 chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội thì chương trình hỗ trợ việc làm, mở rộng duy trì việc làm chiếm số lượng khách hàng và nguồn vốn lớn nhất, người dân được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc cần câu giúp họ có điều kiện làm ăn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tạo việc làm

Trước đây anh Nguyễn Công Ninh ở xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của gia đình anh trở nên bấp bênh, anh quyết định làm đơn xin vay ưu đãi từ chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Anh  Ninh cho biết, gia đình anh có một số diện tích đất chưa canh tác, được ngân hàng cho vay 70 triêu anh sẽ sử dụng số tiền này để mua 5000 cây keo về trồng,

Xã Ca Đình có hơn 80% hộ dân làm nông nghiệp và hơn 80% diện tích đất là đồi rừng, nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều người dân nơi đây đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng sản xuất. Điển hình như bà Nguyễn Thị Mười, nhờ nguồn vốn vay, gia đình bà mở rộng diện tích trồng cây keo, mỗi vụ rừng keo mang về cho gia đình bà hàng trăm triệu đồng, không chỉ tạo công ăn việc làm cho gia đình bà ma còn tạo việc làm cho hơn chục người lao động tại địa phương. Bà Mười cho biết, trước kia, gia đình bà đất thì có nhiều nhưng chưa được tiếp cận được nguồn vốn nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng không chỉ giúp bà phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp bà con thôn xóm có công ăn việc làm.

Anh Ninh, bà Mười là hai trong số hàng nghìn người dân tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được vay vốn chính sách. Tuy nguồn vốn không quá lớn nhưng đó là sự tiếp sức kịp thời cho người dân, tạo việc làm đầu tư sản xuất,  giúp họ ổn định cuộc sống sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc Ngân hàng Chinh sách xã hội huyện Đoan Hùng cho biết, trong thời gian qua, đơn vị phối hợp với chính quyền, đoàn thể để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng người có nhu cầu vay, đồng thời người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong thơi gian tới, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyền truyền các chính sách tín dụng ưu đãi trong nhân dân để họ nắm được chính sách và tham gia thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu, phối hợp với các Sở, ban ngành đoàn thể địa phương rà soát khảo sát nắm bắt nhu cầu.  “Người dân rất phấn khởi khi thủ tục cho vay nhanh gọn, công tác bình xét cho vay minh bạch, nguồn vốn cho vay cơ bản đáp ứng được yêu cầu bước đầu với nhu cầu của người dân.”, ông Hải cho biết.

Người dân làm thủ tục vay vốn để mở rộng sản xuất

Người dân làm thủ tục vay vốn để mở rộng sản xuất

Bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để khôi phục và phát triển nền kinh tế sau dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới.

Từ đó, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, xác định Nghị quyết 11/NQ-CP là “chìa khóa vàng” với những giải pháp căn cơ của Chính phủ đưa ra nhằm lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề lao động, việc làm… Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ được giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay 5 chương trình thuộc Nghị quyết 11/NQ-CP với tổng số tiền gần 226 tỷ đồng.Tính đến hết tháng 8/2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 4.357 khách hàng, với số tiền hơn 171 tỷ đồng; trong đó, cho vay giải quyết việc làm việc làm đạt 100 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội gần 44 tỷ đồng; học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 26 tỷ đồng và cho vay là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 2,1 tỷ đồng…