Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trưng bày trực tuyến: Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng

“Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” - là chủ đề của trưng bày trực tuyến (online) lần đầu tiên được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhằm đem đến cho công chúng bức tranh tổng quan sống động về những thời khắc làm nên lịch sử cách mạng nước nhà.

 

Trưng bày trực tuyến: Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bức ký họa chiến sĩ giải phóng quân lồng trong cờ đỏ, sao vàng, cùng dòng chữ “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” hiện lên chính giữa màn hình máy tính, ngay sau khi ông Đỗ Huy Hùng - cựu chiến binh phường Hàng Bột, quận Đống Đa truy cập vào dòng địa chỉ “http://trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn”. Từ đây, mạch chuyện của trưng bày được mở ra, cuốn người xem đi hết tình tiết lịch sử này đến tình tiết lịch sử khác, đặc biệt là thời khắc lịch sử: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Đỗ Huy Hùng chia sẻ: "Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng" là mệnh lệnh được truyền đi từ Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam. Để có được thông điệp này, trong khoảng thời gian từ ngày 8-1-1975 đến 25-3-1975, Bộ Chính trị đã 3 lần thay đổi quyết sách chiến lược, từ “Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976”; “Giải phóng miền Nam trong năm 1975” đến “Giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975”.

“Những thông tin này tiếp tục được thể hiện trong trưng bày của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nơi đặt Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam, cho người xem thấy lại bầu không khí khẩn trương, song cũng đầy cẩn trọng, tâm huyết của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, vì mục tiêu thống nhất nước nhà”, ông Đỗ Huy Hùng xúc động nói.

Là sự kiện được tổ chức trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tham quan du lịch, trưng bày online “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện, với phương châm “Cùng bạn ở nhà, cùng bạn kết nối”, hỗ trợ người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, một cách trực quan sinh động.

Trưng bày trực tuyến: Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng - Ảnh 2.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ảnh tư liệu

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, với hơn 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày được chia thành 3 nội dung chính, gồm: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công; nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” và niềm vui chiến thắng. Trong đó, mỗi bức ảnh, tư liệu, hiện vật là một minh chứng sống động cho giai đoạn lịch sử lẫy lừng của dân tộc.

Đó là Bức mật điện số 1574, ngày7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 26-4-1975 (được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 14-1-2015) thể hiện, các lực lượng quân giải phóng trên tất cả 5 hướng đồng loạt nổ súng, tiến về Sài Gòn. Những bức ảnh mô tả sự hỗn loạn của quân đội Mỹ, khi tìm cách tháo chạy khỏi Việt Nam (ngày 29-4-1975), đối lập với niềm vui chiến thắng của nhân dân ta khắp mọi miền Tổ quốc, khi lá cờ giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, đánh dấu thời khắc non sông liền một dải... Cùng với đó, còn có nhiều hiện vật tiêu biểu khác, góp phần làm sáng tỏ, sinh động hơn về sự kiện lịch sử đặc biệt này.

Đánh giá về trưng bày online “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng”, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy cho rằng, triển lãm trực tuyến là phương thức hữu hiệu để các điểm đến duy trì hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, đẩy mạnh quảng bá di sản trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Đây cũng là mô hình hoạt động tất yếu với những nơi muốn tiếp cận gần hơn với công chúng, tạo điều kiện cho cả du khách không hoặc chưa thể thực hiện việc tham quan trực tiếp.

“Trên cơ sở trưng bày lần này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nên tiếp tục nghiên cứu, phục dựng một trưng bày, một bảo tàng về Bộ Tổng Chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngay trong những căn nhà mà các cơ quan của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã làm việc ở đó. Các tòa nhà nói trên chính là chứng tích hiện hữu, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp lại và tổ chức trưng bày cho tốt, chắc chắn sẽ thành những bảo tàng vô cùng giá trị, góp phần tạo thêm tính độc đáo đặc biệt cho di tích”, ông Nguyễn Văn Huy đề xuất.