Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung tâm chăm sóc & PHCN cho người tâm thần Thái Bình - Ngôi nhà thứ hai của bệnh nhân tâm thần

Chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần là công việc không phải ai cũng làm được bởi chỉ có những con người chịu khó và nhẫn nại, coi bệnh nhân như người thân của mình, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới làm tốt được công việc này. Hơn 40 năm qua, Trung tâm trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều bệnh nhân tâm thần.

Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc điều trị và phục hồi chức năng cho gần 250 đối tượng tâm thần mãn tính, trong đó có Người có công, người mất sức lao động và người là đối tượng bảo trợ xã hội.

Hoạt động phục hồi chức năng cho bênh nhân Tâm thần ở Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình.

Hoạt động phục hồi chức năng cho bênh nhân Tâm thần ở Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình.

Trong số gần 250 đối tượng, thì có hơn một phần ba không tự chủ được mọi sinh hoạt. Ngày 24 giờ cho một ca trực, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên phục vụ của Trung tâm phải thường xuyên tiếp xúc với người tâm thần. Ngoài tiếng cười nói, kêu la của bệnh nhân thì họ còn đối mặt với những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu gặp phải bệnh nhân lên cơn.
Song điều khiến y, bác sĩ lo lắng nhất là bệnh nhân bị ốm đau hay tự làm hại mình và để lại vết thương, họ không nhận thức được chính xác vị trí đau, có khi đau bụng họ lại nói đau đầu, có khi không đau nhưng lại bảo đau. Do vậy, quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân tâm thần, các y, bác sĩ phải tìm hiểu, quan sát nhiều thứ xung quanh hơn là chỉ dựa vào lời nói của bệnh nhân.
Đặc biệt, trong điều trị vết thương, các y, bác sĩ phải thường xuyên để mắt, vệ sinh vết thương, tay chân thường xuyên cho bệnh nhân để tránh nhiễm trùng. Bởi bệnh nhân tâm thần thường không chịu băng bó vết thương.

Cán bộ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Cán bộ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tươi chia sẻ: “Mỗi người bệnh tâm thần vào Trung tâm là những mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau, người thì đi lang thang, người thì gia đình nghèo không lo nổi; không còn người thân chăm sóc, nuôi dưỡng,… nhưng tất cả đều không có nơi nương tự.  Đặc thù của người bệnh tâm thần mãn tính là không còn khả năng lao động và tự chăm sóc bản thân, vì vậy mọi sinh hoạt cá nhân hay lúc họ nhập viện các cán bộ, điều dưỡng trung tâm phải đảm nhận hoàn toàn. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân nặng hay bị kích động, có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người chăm sóc. Thậm chí nhiều cán bộ trung tâm bị các đối tượng tâm thần đuổi đánh, hành hung. Thế nhưng chính sự khó khăn, vất vả và nguy hiểm đó đã thôi thúc những người cán bộ, điều dưỡng ở đây phải cố gắng hơn để chăm sóc và điều trị cho các đối tượng, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng”.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tươi chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tươi chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Y sỹ Phí Thị Thu Thủy - Khoa bệnh nhân nặng của Trung tâm cho biết: Xác định chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tâm thần là công việc rất vất vả và nguy hiểm, vì vậy đội ngũ cán bộ y tế của Trung tâm thường xuyên quan tâm, chăm sóc, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người, từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả.

 Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình được thành lập tháng 4 năm 1979. Trải qua 43 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã nhiều lần được thay đổi tên gọi như: Khu nuôi dưỡng Người tâm thần có công; Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần có công và từ năm 2013 được đổi tên thành Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần. Để các đối tượng ở đây được chăm sóc một cách tốt nhất, trung tâm luôn coi trọng vấn đề đảm bảo đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi theo từng ngày, phù hợp với từng bệnh nhân, đồng thời thường xuyên theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân để xây dựng các phác đồ điều trị cụ thể cho từng đối tượng, tùy theo tình trạng bệnh tật.

Cạo râu, cắt tóc cho bệnh nhân Tâm thần là việc làm thường xuyên của nhân viên điều dưỡng Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình.

Cạo râu, cắt tóc cho bệnh nhân Tâm thần là việc làm thường xuyên của nhân viên điều dưỡng Trung tâm chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Thái Bình.

Trong hoạt động thường niên, ngoài việc tổ chức khám bệnh thường kỳ cho từng đối tượng để nắm bắt diễn biến bệnh, Trung tâm còn mời bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình về khám và xây dựng phác đồ điều trị cụ thể cho từng đối tượng tùy theo tình trạng bệnh nhân. Với đối tượng là Người có công do tuổi cao sức khỏe yếu mỗi khi bệnh tái phát nặng trung tâm tổ chức đưa đi điều trị tại các Bệnh viện tuyến trên.

Trong những năm qua công tác quản lý đối tượng được quan tâm chú trọng, không để xảy ra tình trạng đối tượng chăm sóc đi ra ngoài gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội.  

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chăm sóc cho người bệnh còn nhiều thiếu thốn nhưng những năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xác định phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là đối tượng tâm thần là Người có công được chu đáo và đầy đủ, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.