Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Nông: Giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp kịp thời, đúng chế độ và không sai sót

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Nông Bùi Anh Vũ cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, có 2.335 người đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Nông nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, 2.326 người lao động có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền lên đến hơn 30,3 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, 2.326 người lao động có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định thành lập, Sở LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý toàn diện về tổ chức và hoạt động; thực hiện các chức năng về hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, đào tạo nghề, thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hiện Trung tâm có 2 địa điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN: Văn phòng chính tại thành phố Gia nghĩa và tại huyện Cư Jut. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch việc làm Đắk Nông tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đã có 2335 người nộp hồ sơ, tăng 29.3% so với cùng kỳ năm 2021 (1651 người). Trong đó, số người làm ở địa phương khác chuyển về là 1823 người chiếm tỷ lệ 78.1% trên tổng số người nộp hồ sơ. Thời gian tăng tập trung chủ yếu vào quý 2/2022, cao điểm nhất vào tháng 5 với số lượng 303 người nộp hồ sơ. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn khiến các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động dẫn đến số lượng người nộp hồ sơ tăng cao. Số người nộp hồ sơ tăng kéo theo số người có quyết định cũng tăng lên cụ thể đã có 2326 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 28.7% so với cùng kỳ năm 2021 (1658 người). Công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp trong thời gian này vẫn được thực hiện một cách đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị có liên quan đảm bảo nhanh chóng kịp thời cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không làm chậm trễ, phiền hà cho người lao động. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Nông đánh giá: “Nhìn chung công tác giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 đảm bảo kịp thời, đúng chế độ và không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn mới và nhiều vấn đề phát sinh nhưng với sức trẻ của đội ngũ nhân viên thuộc phòng bảo hiểm thất nghiệp đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về bảo hiểm thất nghiệp ngoài ra các nhân viên còn được tham dự đầy đủ các đợt tập huấn về nghiệp vụ của bảo hiểm thất nghiệp do Cục Việc làm tổ chức”.

Người lao động đến Trung tâm DVVL Đắk Nông tìm kiếm việc làm, nộp hồ sơ liên quan chế độ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động đến Trung tâm DVVL Đắk Nông tìm kiếm việc làm, nộp hồ sơ liên quan chế độ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp.

 Được biết, đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã được tham gia tập huấn về việc xử lý hồ sơ “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, người dân có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ quan chuyên môn sẽ xử lý hồ sơ theo quy định hiện hành.  Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đăk Nông đã được cấp quyền cho tài khoản tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tiếp nhận và xử lý hồ sơ) với 11 tài khoản đã được phân quyền. Tổng số hồ sơ từ khi kết nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia đến ngày 15/9/2022 đã tiếp nhận đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7 hồ sơ. (03 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng; 3 trả hồ sơ đúng thời gian quy định, 1 hồ sơ đang trong thời gian giải quyết). “Trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng lao động chưa tiếp cận thông tin, chưa nhận thức rõ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, với những nỗ lực của đội ngũ nhân viên làm bảo hiểm thất nghiệp cùng với những định hướng của lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đăk Nông và sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đã góp phần khắc phục những hạn chế trong thời gian qua và đã đạt được những kết quả nhất định như trên”, ông Bùi Anh Vũ cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Nông cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đó là nhận thức của một số người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình cũng như cố tình trục lợi trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp; khai báo không đúng thực tế thông tin tìm kiếm việc làm hằng tháng tại Trung tâm. Hiện nay công tác thu hồi vẫn còn khó khăn do người lao động không hợp tác cũng như chưa có chế tài xử lý đủ tính răn đe trong việc xử phạt khi có vi phạm xảy ra.

Ðưa các phiên giao dịch việc làm về tận xã

Giao dịch việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giới thiệu việc làm và tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định về lao động. Điều này đòi hỏi cần có sự đổi mới trong việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thu hút đông người lao động tham gia. Để người lao động nắm được thông tin các phiên giao dịch việc làm và tham gia tìm kiếm việc làm tại các phiên giao dịch, Trung tâm đã đưa các phiên giao dịch việc làm về tận các huyện, các xã. Từ đó, người lao động có thể cơ hội việc làm. Anh Nguyễn Hoàng Tuyên, ở thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đắk Song), vừa tốt nghiệp trung cấp công nghệ ô tô và đang tìm việc làm. Đầu tháng 9 vừa qua, anh Tuyên tham gia phiên giao dịch việc làm tại địa phương và đã định hướng được việc làm, nghề nghiệp cho bản thân. Cụ thể, anh được một công ty tổ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tư vấn tại phiên giao dịch việc làm. Sau khi tìm hiểu thêm, anh quyết định sang Nhật Bản để làm việc theo sự giới thiệu của công ty này.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm tại 15 xã thuộc các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Cư Jút, Tuy Đức, Krông Nô. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, có khá nhiều người đã tìm được việc làm ưng ý. Người lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm cũng đã hiểu thêm về các chính sách liên quan đến lao động, việc làm hiện nay. Để kết nối, tuyển dụng lao động hiệu quả, hầu hết các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đều mời các doanh nghiệp lớn, có nhu cầu tuyển số lượng lao động nhiều từ các tỉnh như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… tham gia.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm DVVL Đắk Nông luôn nỗ lực trong công tác vì người lao động.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm DVVL Đắk Nông luôn nỗ lực trong công tác vì người lao động.

Ông Bùi Anh Vũ cho biết, các phiên giao dịch việc làm đã giúp người lao động nắm bắt thông tin về thị trường lao động, chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ thất nghiệp. Các phiên giao dịch việc làm cũng giúp nhiều người tiếp cận với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động tốt hơn. Tại các phiên giao dịch việc làm, nhiều người đã lựa chọn được ngành nghề, việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề của mình. Thời gian tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu giải pháp để thu hút nhiều người lao động hơn đến với các phiên giao dịch việc làm. Trung tâm mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, phối hợp tốt hơn trong việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại cơ sở. "Trung tâm sẽ cố gắng đổi mới hơn nữa phương thức, cách thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Từ đó, thu hút được nhiều lao động đến tham gia, tìm kiếm việc làm hiệu quả", ông Vũ cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, hiện công tác giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp hiện chưa đạt được những kết quả khả quan. Nguyên nhân là do đặc thù tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Đăk Nông không có các khu công nghiệp lớn, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phần lớn chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm với số lượng không nhiều nên chưa thật sự phong phú chủ yếu chỉ tuyển dụng nhân viên kinh doanh, thị trường, marketing chưa hấp dẫn người lao động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên đa số còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa được tham dự các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, chưa thể nắm bắt và am hiểu về thị trường lao động cũng như thu thập, dự báo thông tin về tình hình biến động lao động tại địa phương.