Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung tâm DVVL Thanh Hoá: Hướng đến chuyển đổi số trong chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho lao động

Nhằm giúp người lao động nhanh chóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm DVVL tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt phương thức hỗ trợ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong nộp hồ sơ online, qua đường bưu điện, thư điện tử... hướng đến chuyển đổi số để người lao động bị thất nghiệp có thể được tiếp cận giải quyết hồ sơ hưởng BHTN một cách thuận lợi nhất.

Xác định công tác tư vấn, GTVL cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ BHTN. Ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm để sớm quay lại thị trường lao động. Trung tâm đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn, hướng đến chuyển đổi số phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, thông qua hội thảo, hội nghị… và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh…

Người lao động đến Trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN

Người lao động đến Trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN

Đến nay, Trung tâm DVVL Thanh Hoá đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 26.099 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần là do người lao động nghỉ việc, muốn dịch chuyển về quê hương để hưởng TCTN và tìm kiếm việc làm ở gần gia đình.

Bắt đầu từ tháng 5/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với dịch vụ công thiết yếu của thủ tục hành chính “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn 1399/LĐTBXH-VL ngày 04/5/2022 của Bộ Lao động TB&XH.

Trong thời gian qua, Trung tâm DVVL đã tuyên truyền chính sách BHTN bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi cho người lao động tại các ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động, các chương trình tư vấn kết nối việc làm trong và ngoài nước, các hội nghị, hội thảo; Treo băng rôn, cờ phướn tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh; Đăng thông tin trên báo điện tử, Đài phát thanh truyền hình Thanh Hoá… Hàng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn tập trung cho người lao động thất nghiệp tại Sàn giao dịch việc làm.

Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ hưởng TCTN. Vì vậy, trong 11 tháng vừa qua, Trung tâm luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm để sớm quay lại thị trường lao động. Trung tâm đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn phong phú, đa dạng, phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, Zalo, facebook; tổ chức tư vấn tập trung vào sáng thứ 2 hàng tuần tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm; Tư vấn thông qua hội thảo, hội nghị, các chương trình kết nối việc làm trong và ngoài nước, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh…

Người lao động Thanh Hoá hướng đến chuyển đổi số             .

Người lao động Thanh Hoá hướng đến chuyển đổi số .

Bên cạnh nhiệm vụ tư vấn giới thiệu việc làm thì đào tạo nghề có ý nghĩa rất quan trọng giúp người lao động thất nghiệp nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có cơ hội tìm được việc làm. Kể từ khi Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì mức hỗ trợ học nghề được nâng lên 1.500.000 đ/ tháng nhưng thời gian hỗ trợ không quá 06 tháng/khóa. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, đã có đông số lao động quan tâm đến chế độ hỗ trợ học nghề. Vì vậy, số lượng người hưởng BHTN có nhu cầu học nghề ngày càng tăng. Tổng số lao động BHTN được tư vấn học nghề đạt 100%. Các ngành nghề mà người lao động thất nghiệp đã tham gia học chủ yếu là: Lái xe ô tô hạng B2, C; May dân dụng và CN, Sửa chữa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa điện lạnh, sửa chữa điện dân dụng và CN, Vận hành máy công trình… 

Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh Hoá Hoàng Duy Xuyên chia sẻ: “Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động khi đến thực hiện chính sách BHTN tại đây. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho những người lao động trong giai đoạn mất việc làm và tìm kiếm việc làm mới bị mất việc làm, đang đi tìm việc làm mới. Người lao động còn được tư vấn về tìm kiếm việc làm mới. Nhiều trường hợp sau khi được tư vấn về việc làm, đã quay lại thị trường lao động. Bên cạnh đó là tư vấn cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân khi tái hòa nhập thị trường lao động".

"Đối với những lao động thất nghiệp, được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng bản thân người lao động chưa có nhu cầu tìm việc mới thì đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp cho người lao động kịp thời, đúng theo quy định. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm DVVL tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt phương thức hỗ trợ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong nộp hồ sơ online, qua đường bưu điện, thư điện tử... hướng đến chuyển đổi số để người lao động bị thất nghiệp có thể được tiếp cận giải quyết hồ sơ hưởng BHTN một cách thuận lợi nhất " - ông Hoàng Duy Xuyên nhấn mạnh.