Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung ương cần có chính sách riêng hỗ trợ các hộ hộ nghèo đặc thù không thể thoát nghèo

(Dân sinh) - Vừa qua, tại TP.Cần Thơ, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 32 tỉnh, tp trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Tấn Hiển - PCT thường trực UBND TP.Cần Thơ - Phó chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP.Cần Thơ cho biết, năm 2022, cùng với cả nước, thành phố cũng đối mặt với những thách thức lớn, biến động, khó lường như: dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán, ngập lụt,.. đã ảnh hưởng đến sự phục hồi một số ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất và đời sống Nhân dân. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Cần Thơ đã nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng.

Ông Dương Tấn Hiển – PCT thường trực UBND TP.Cần Thơ – Phó chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP.Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị.

Ông Dương Tấn Hiển – PCT thường trực UBND TP.Cần Thơ – Phó chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP.Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 12,64% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số. Đồng thời, đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; các lĩnh vực kinh tế chủ lực của Cần Thơ như công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch đều vượt kế hoạch và có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Theo ông Hiển, với tinh thần thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", năm 2022, hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai, cụ thể hóa gắn với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương về giảm nghèo, an sinh xã hội, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo. Bám sát tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng với cả nước Thành phố Cần Thơ đã từng bước vượt qua khó khăn, chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo.

“ Nhờ đó, cuối năm 2022, qua kết quả rà soát hộ nghèo toàn thành phố có 1.009 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,28%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,52% vượt 0,08% so với kế hoạch đề ra, không còn hộ nghèo, cận nghèo chính sách, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo”, ông Hiển nói.

TS. Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ tham luận tại hội nghị.

TS. Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ tham luận tại hội nghị.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả như đã nêu, tuy nhiên tại Hội nghị hôm nay thành phố Cần Thơ cũng rất mong được sự chia sẻ, trao đổi thêm về những kinh nghiệm, cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong triển khai Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021-2025” của các tỉnh, thành phố bạn, để thành phố Cần Thơ ngày càng hoàn thiện hơn. Ông Dương Tấn Hiển chia sẻ.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Phong trào thi đua gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy vai trò cộng đồng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 10 năm qua Cần Thơ có 147 mô hình sinh kế giảm nghèo, phát huy thế mạnh miền sông nước, điều kiện tự nhiên phù hợp như: Trồng cây ăn trái (mít, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài cát…); chăn nuôi gà, vịt, cá, lươn…; đan lát nguyên liệu từ cây tre, thân lục bình; dệt chiếu; đan lưới; mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Hầu hết các mô hình hoạt động hiệu quả đã giúp người dân thoát nghèo.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện  32 tỉnh, tp trên cả nước.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện 32 tỉnh, tp trên cả nước.

Bên cạnh đó, các mô hình hiệu quả đã góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định. Hiện nay, thành phố có 33 mô hình sinh kế/giảm nghèo đang thực hiện tốt được nhân rộng, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ kiến nghị, Trung ương cần có chính sách riêng hỗ trợ các hộ hộ nghèo đối với các trường hợp đặc thù không thể thoát nghèo như: Hết tuổi lao động (người cao tuổi cô đơn), hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo.

Kiến nghị  từ đoàn đến từ tỉnh Bến Tre, các sở, ban, ngành, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua như: tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo.

Trao quà Tết cho các hộ nghèo.

Trao quà Tết cho các hộ nghèo.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn Phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Bình Dương với mô hình “Tết nhân ái” từ năm 2021- 2023, phong trào “Tết Nhân ái” đã tổ chức vận động và trao tặng được gần 200.000 suất quà tết, với tổng trị giá trên 101 tỷ đồng. Ngoài việc vận động, kết nối nguồn lực cho các hoạt động trên địa bàn tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn vận động, kết nối nguồn lực để tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà Tết cho người nghèo tại các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận (trao tặng  trên 2.000 suất quà tết, trị giá trên 01 tỷ đồng) và các hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung, miền Tây bị bão lũ, xâm nhập mặn, xây tặng nhà Chữ thập đỏ,... với trị giá hàng chục tỷ đồng.