Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Trong những năm gần đây, trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa luôn xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường là nhiệm vụ hàng đầu, Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm đến xây dựng môi trường học đường thân thiện, tạo không gian gần gũi, thân thiện đối với giáo viên, học sinh, sinh viên mỗi khi đến trường, tạo năng lượng tích cực để làm việc và học tập

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa Phạm Yên Trường cho biết: "Trong thời gian qua, trường TC nghề miền núi Thanh Hoá đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động qua học nghề: Việc giải quyết tốt đầu ra sau đào tạo chính là động lực thúc đẩy công tác tuyển sinh và đào tạo, vì vậy nhà trường phải luôn coi trọng việc hợp tác bền vững với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác, đào tạo nghề sát với nhu cầu địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; không ngừng nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; thường xuyên cập nhật, bổ sung kỹ thuật công nghệ mới vào chương trình, giáo trình đào tạo với mục tiêu khi HS tốt nghiệp ra trường sẽ đáp ứng được thị trường lao động. Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đào tạo, sử dụng lao động qua học nghề". 

Tư vấn việc làm cho học sinh ngay tại trường

Tư vấn việc làm cho học sinh ngay tại trường

Hiện nay, trường đã và đang hợp tác hiệu quả với các công ty, cụ thể: nghề Hàn: Công ty TNHH Hồng Phát ở khu công nghiệp Tây bắc Ga;  nghề Thú y: Công ty TNHH dịch vụ và chăn nuôi NEWHOPE Thanh Hóa ở xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành; nghề May thời trang: Công ty cổ phần Phú Khang tại TP Hưng Yên và Công ty may Tinh Lợi ở TP Hải Dương… 

Nhiều năm qua, nhà trường đã xây dựng những quy định về nếp sống văn hóa, thiết kế các bảng biểu áp phích và được bố trí, sắp xếp hợp lý đảm bảo tính tiện dụng và mỹ quan. Trong đó, các hoạt động chỉnh trang, tu sửa cảnh quan, trồng cây bóng mát, cây ăn quả, xây dựng thêm các bồn hoa, trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng. Mỗi lần hoạt động ngoại khóa như vậy, nhà trường lại nhắc nhở học sinh, sinh viên có ý thức bảo vệ môi trường, biết sống hài hòa thân thiện với thiên nhiên, đảm bảo nhà trường thực sự là một cơ sở giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên về lý tưởng, nhân cách, lối sống. Đồng thời, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện, hài hòa trong nhà trường, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giảng dạy, học tập, vui chơi, giải trí dưới môi trường sư phạm trong lành".

"Đặc biệt, hoạt động xây dựng môi trường học đường thân thiện, khuôn viên xanh - sạch - đẹp đã tạo không gian gần gũi, thân thiện đối với giáo viên, học sinh, sinh viên mỗi khi đến trường, tạo năng lượng tích cực để làm việc và học tập. Không chỉ vậy, nó còn tạo nên không gian, cảm giác gần gũi với khách, phụ huynh học sinh đến thăm và làm việc tại nhà trường. Cây xanh của nhà trường bao gồm: hệ thống cây xanh, cây bóng mát, chậu hoa cây cảnh, thảm cỏ… được định kỳ và thường xuyên chăm sóc, bổ sung xanh mát quanh năm, được bố trí hợp lý và mang tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng ghế đá dưới các tán cây bóng mát giúp học sinh có không gian thoải mái để đọc sách, thư giãn, trao đổi kinh nghiệm học tập, tạo cảm giác gần gũi và thân thiện".

'Đến nay, các đơn vị trong nhà trường đều đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Định kỳ hàng tháng, hàng tuần, lực lượng đoàn viên thanh niên của nhà trường lại hăng hái tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, cải tạo và chăm sóc cây cảnh, cây xanh xung quanh khuôn viên, vườn hoa thanh niên... Trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo năng động, sáng tạo, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa phương thức và trình độ đào tạo nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động" – ông Phạm Yên Trường nhấn mạnh.

Trường TCN miền núi Thanh Hoá trong thời gian qua đã đào tạo hàng ngàn công nhân có trình độ trung, sơ cấp nghề, trong đó có cả nghề chất lượng cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần giúp các huyện miền núi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.