Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ 6/8: Cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Thăng Long, Hà Nội

(Dân sinh) - Phương án phân luồng giao thông cho từng loại phương tiện trong thời gian thi công sửa chữa cầu Thăng Long được Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội góp ý, thống nhất phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công Dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Bộ GTVT triển khai.

Dự kiến, thời gian sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long bắt đầu từ ngày 6/8 và sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trong thời gian sửa chữa.

Ô tô qua lại cầu Thăng Long sẽ được tổ chức, phân luồng đi sang các cầu khác như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. 16 tuyến xe bus đi qua cầu này cũng sẽ thay đổi lộ trình đi sang cầu Nhật Tân.

Xe máy, tàu hỏa được lưu thông bình thường ở tầng 1. Tuy nhiên, tốc độ cũng sẽ bị hạn chế dưới 5km/h. Mục đích để hạn chế rung lắc, ảnh hưởng đến việc thi công, thảm nhựa bên trên.

Dự kiến Quý IV/2020, cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa xong.

 - Ảnh 1.

Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng.

Phương án phân luồng giao thông cho từng loại phương tiện trong thời gian thi công sửa chữa cầu Thăng Long được Sở GTVT dự kiến như sau:

Phân luồng từ xa:

- Các phương tiện xe tải (có khối lượng toàn bộ ≥1,25 tấn) và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi đi từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Nam cầu Thăng Long đi theo các hướng: từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, QL1, QL2, QL2C, QL3, đường Hồ Chí Minh, đi qua cầu Thanh Trì hoặc cầu Vĩnh Thịnh, đi đường vành đai 3 trên cao.

- Các phương tiện xe tải (có khối lượng toàn bộ ≥ 1,25 tấn) và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Bắc cầu Thăng Long đi theo các hướng: Từ QL32, QL6, đường Hồ Chí Minh, QL1, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL21, qua cầu Vĩnh Thịnh hoặc cầu Thanh Trì hoặc cầu Hưng Hà (đường nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đi QL2, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hoặc QL1, QL5, QL5 kéo dài, QL38, QL39, đường cao tốc Hà Nội Hải Phòng, QL1, QL5, QL5 kéo dài, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài...

- Đối với các phương tiện xe khách tuyến cố định liên tỉnh có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội: Tổng số 924 chuyến/ngày có điểm đầu, cuối đi và đến các bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Sơn Tây có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân và ngược lại.

Cấm tuyệt đối xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm thành phố trên đường Vành đai 3 và cầu Thăng Long. Các tuyến trên đi theo phương án phân luồng giao thông từ xa của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và thông báo cho Sở GTVT các tỉnh chỉ đạo thực hiện.

- Đối với các phương tiện xe hợp đồng chở công nhân có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng - đường Đỗ Nhuận, đường DT1, (Khu đô thị Tây Hồ Tây - Ngoại giao đoàn) - đường Võ Chí Công đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.

- Đối với các phương tiện xe tải, để đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu, đời sống dân sinh tại khu vực phía Nam và phía Bắc cầu Thăng Long, cho phép các loại phương tiện xe tải lưu thông theo giờ trên đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân và ngược lại.

+ Ngoài giờ cao điểm (từ 19h30 đến 06h và từ 09h đến 16h30 hàng ngày): Xe tải có khối lượng toàn bộ từ 1,25 tấn đến 10 tấn;

+ Từ 21h đến 06h ngày hôm sau: Xe tải có khối lượng toàn bộ từ trên 10 tấn đến 24 tấn hoặc dưới 3 trục.

Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ trên 24 tấn hoặc trên 4 trục, xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc, xe quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường trên.

- Đối với các phương tiện xe con, xe tải (có khối lượng toàn bộ <1,25 tấn) có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng đi các đường (Hoàng Quốc Việt, Đỗ Nhuận, đường DT1 (Khu đô thị Tây Hồ Tây - Ngoại giao đoàn), đường Nguyễn Hoàng Tôn) ra đường Võ Chí Công để đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây mới là phương án dự kiến được trình UBND TP Hà Nội để thống nhất với Bộ GTVT, sau khi có phương án cuối cùng sẽ triển khai thực hiện.

Dự kiến, trong 10 ngày đầu sẽ thực hiện thí điểm, sau đó triển khai thực hiện triệt để. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có bất cập về tổ chức giao thông, Tổng cục đường bộ Việt Nam phối hợp với liên ngành Sở GTVT - CATP chủ động xử lý, điều chỉnh kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông.