Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ ngày 1/1, điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bị tước giấy phép và xử phạt hành chính nặng

(Dân sinh) - Nghị định 100/2019 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực kể từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn trước rất nhiều đối với các hành vi vi phạm giao thông.

Từ ngày 1/1, điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bị tước giấy phép và xử phạt hành chính nặng  - Ảnh 1.

Người điều khiển phương tiện gia giao thông được đo nồng độ cồn khi tham gia giao thông ( ảnh Hải Nguyễn)

Cụ thể, Nghị định 100/2009, sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.

Theo đó tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe môtô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

Đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Trước đây quy định xử phạt từ 16 đến 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng).

Đối với người điều khiển xe môtô xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ bị xử phạt từ 400-600 nghìn đồng. (Đối với người điều khiển ôtô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng tăng mức phạt tương tự).

Nghị định cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 Điều 80 Nghị định).

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (tại khoản 8 Điều 80 Nghị định).

Chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm. Nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.