Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ ngày 28/11 đến 1/12, Trung bộ có nơi mưa rất to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất

(Dân sinh) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ đêm nay đến ngày 1/12, ở các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến khoảng 200 - 400mm/đợt, có nơi trên 450mm.

Từ ngày 29/11 đến ngày 30/11, ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm.

Từ chiều 28/11 đến ngày 1/12, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1; các sông tại Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, các sông nhỏ có khả năng lên trên mức báo động 3.

Từ ngày 28/11 đến 1/12, Trung bộ có nơi mưa rất to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt là cấp 2.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng là quan trọng nhất.

Chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

Ngày 27/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 533/VPTT gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng về việc ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các đơn vị cũng cần tổ chức kiểm tra việc vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện nhỏ để bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du; chỉ đạo các đơn vị đảm bảo giao thông sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai  cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất. Các lực lượng chức năng sẵn sàng nhân lực, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng là quan trọng nhất.

Không khí lạnh tăng cường mạnh hơn

Ngày 28/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Ở vịnh Bắc bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo, đêm nay, không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh hơn.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vài nơi, trời rét (thời gian rét xảy ra vào sáng và đêm) với nhiệt độ thấp nhất phổ biển 15-18 độ, vùng núi 13-16 độ, vùng núi cao dưới 10 độ.

Ở vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Khu vực Hà Nội không mưa, sáng và đêm trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biển 16-18 độ.