Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ ngày 6/4: Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội trở lại trường

UBND TP. Hà Nội đã có văn bản cho phép học sinh các khối lớp 1 - 6 trên địa bàn được trở lại trường học trực tiếp từ ngày mai (6/4). Riêng khối mầm non vẫn học tại nhà. Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường.

Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội sẽ trở lại trường từ ngày 6/4.

Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội sẽ trở lại trường từ ngày 6/4.

Trẻ háo hức, phụ huynh phấn khởi

Nhận được tin sắp quay lại trường, nhiều học sinh tiểu học không giấu được niềm vui sắp được tới trường gặp thầy cô và bạn bè, được tham gia các câu lạc bộ của nhà trường và những tiết học tập thể dục không phải nhìn thầy cô… qua màn hình máy tính. Với những học sinh lớp 1, sự háo hức còn lớn hơn vì đã sắp hết năm học mà các em chưa từng được đặt chân đến trường, chưa từng được cảm nhận sự khác biệt của không khí lớp tiểu học so với bậc mầm non.

Bé Thu Trang năm nay học lớp 1 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi nghe mẹ thông tin được đến lớp học trực tiếp, Thu Trang reo lên vui mừng, nhảy chân sáo rồi luôn miệng hỏi: Mẹ ơi trường học của con như thế nào, xa nhà mình không, sân trường có rộng như trường mầm non của con không ạ? Mai con đi học có phải đeo ba lô xách vở như các anh, chị lớn hơn không mẹ? Con phải dậy từ lúc mấy giờ để kịp đến trường ạ? Mẹ tết tóc hai bên đẹp hơn mọi ngày cho con nhé…

19 giờ, buổi học online như thường lệ, nhưng vừa vào lớp, sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo về việc được đến trường học trực tiếp, không phải học online nữa, Thu Trang vội vàng chạy ra khoe: Bà ơi, mẹ ơi, cô giáo con cũng vừa nói đến thứ Tư (6/4) là chúng con sẽ được gặp cô giáo và các bạn rồi ạ. Mẹ ơi, con mang bức tranh con vừa tô màu chiều nay tặng cô giáo con được không mẹ?...

Bên cạnh sự vui mừng háo hức của con trẻ, các phụ huynh rất phấn khởi trước việc các con được trở lại trường. Anh Quốc Hưng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh ủng hộ việc cho con đi học trở lại. Bởi, con trai anh năm nay học lớp 1, gần hết năm rồi mà chưa được đến trường, điều này rất thiệt thòi. Dù con chỉ được trở lại trường trong thời gian ngắn nhưng gia đình anh cũng rất vui, con trai thì rất hào hứng.

Học sinh Tiểu học học online trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.

Học sinh Tiểu học học online trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.

Tương tự, cũng có con trai đang học lớp 1, chị Thu Thủy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá hào hứng với thông tin học sinh được đi học trở lại. "Hơn 1 năm học online, con gái tôi luôn miệng hỏi mẹ bao giờ mới được đeo ba lô tới trường học. Do dịch bệnh đã được kiểm soát nên việc cho học sinh đi học là hợp lý. Gia đình mong muốn cả trẻ mầm non cũng được đến trường để cuộc sống trở lại bình thường như trước kia”, chị Thủy nói.

Theo văn bản của TP Hà Nội, gần 1 triệu học sinh lớp 1 - 6 ở 30 quận, huyện của Hà Nội sẽ học trực tiếp từ 6/4; có thể học 2 buổi/ngày và ăn bán trú, tùy theo kế hoạch của trường và sự đồng thuận của phụ huynh. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, hiện tình hình Covid-19 tại thành phố đã có chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh. Trong 2 ngày 2 - 3/4, Sở đã tổ chức khảo sát phụ huynh lớp 1 - 6 về việc cho con trở lại trường. Kết quả, hơn 75% ý kiến đồng thuận; nhiều quận, huyện có tỷ lệ nhất trí trên 90%.

Để mở cửa, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở GD&ĐT; xây dựng kế hoạch diễn tập và xử lý khi ghi nhận F0 tại trường; vệ sinh và khử khuẩn trước và sau buổi học. Kế hoạch đón học sinh trở lại của các trường phải được Ban chỉ đạo chống dịch cấp quận, huyện phê duyệt. Trong quá trình học sinh trở lại trường, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp và không đảm bảo an toàn, Ban chỉ đạo chống dịch cấp quận, huyện sẽ xem xét và quyết định có tiếp tục học trực tiếp hay không.

Không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ mầm non đến trường

Tuy nhiên, bên cạnh đó là nỗi niềm của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non. “Suốt 1 năm không được gặp bạn bè, thầy cô, không sân trường, không vui chơi nô đùa, không gian của con chỉ là bốn bức tường với màn hình ti vi. Điều đó thật kinh khủng ngay cả với người lớn, chưa nói đến trẻ con vì nhu cầu giao tiếp với bạn bè và giải phóng năng lượng của các con vô cùng lớn”, chị Thanh Bình (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non mong muốn con sớm được đến trường.

Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non mong muốn con sớm được đến trường.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, cuộc sống đã trở về bình thường, nhiều gia đình đã cho các con đi du lịch và đến các khu vui chơi công cộng. Trong khi đó, trẻ ở độ tuổi mầm non cần được giao tiếp, học tập để hình thành kỹ năng thì lại chỉ ở nhà. Dù chưa đầy 2 tháng nữa là năm học kết thúc nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn mong muốn cho trẻ mầm non được đến trường để không bị thiệt thòi thêm.

PGS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý giáo dục Trường Đại học Giáo dục, (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm 30% số bệnh nhân. Theo đó, PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng cần phải có lộ trình để đưa 100% trẻ tới trường.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho biết, đến lớp không chỉ để học tập kiến thức mà còn là nhu cầu giải tỏa cảm xúc, giải phóng năng lượng, kết nối xã hội. “Các cơ quan y tế nên có thống kê, nhận xét, đánh giá về chuyên môn để tư vấn cho ngành giáo dục Thủ đô về vấn đề này. Với học sinh các bậc học dưới, nên khẩn trương triển khai để các con có thể sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mới”, thầy Bình khuyến nghị.

PGS, TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý đặc biệt, việc trẻ mầm non đi học trở lại là vô cùng cần thiết, không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường. Việc trẻ em không được đến trường trong thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí mắc bệnh trầm cảm.

"Phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, dù ở nhà nhưng số lượng trẻ nhiễm Covid-19 vẫn nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu trường học làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà. Nên nhớ, từ tháng 4/2021 đến nay, lứa học sinh này của Thủ đô chưa một ngày được đặt chân đến lớp trong khi học sinh tại nhiều địa phương khác đã được đến trường”, PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết.