Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từ “Thu Người Đẹp” sang...“Thu ngôn tình”

(Dân sinh) - Trông Võ Hồng Thu lúc nào cũng dư thừa năng lượng đến mức nhiều người nhất định “bầu” Thu là nhà báo, nhà văn “quá khích” nhất Việt Nam. Còn nhà thơ Dương Kỳ Anh, một thời kỳ dài làm “sếp” của Thu lại tặng Thu biệt danh “gái hư”. Người ta nói gì về mình Thu đều nghe nhưng cũng chỉ để đó, chẳng oán, chẳng giận. Bởi mỗi ngày của Thu đều tất bật, đã viết báo, lại còn làm văn, còn mê nấu nướng, còn chăm “cụ phây”...

Nhà báo Võ Hồng Thu thời trẻ.

Nhà báo Võ Hồng Thu thời trẻ.

Bây giờ Thu được biết đến là nhà văn của những truyện ngôn tình. Trong vòng 10 năm lượn qua lãnh địa văn chương Thu đã kịp dâng đời 4 cuốn sách: "Trà, cà phê hay là em"; "Môi đưa bão về"; "Nude tình yêu" và mới nhất, "Gáy mảnh hững hờ". Tổng cộng cỡ mấy trăm truyện ngắn, ấy là Thu còn phải cất bớt vào kho, chưa khoe hết, vì bị những đơn vị kinh doanh sách can, thời nay sách dày, người đọc sợ. Truyện của Thu không gây mệt đầu mà dễ gây nghiện vì Thu toàn viết về tình yêu. Đã đụng đến tình yêu thì thiếu sao được "món" sex. Nhiều người đọc phong cho Thu là nhà văn của dòng văn chương sex. Thu bảo: "Người ta vu cho tôi". (Bị vu nhưng cũng quyết không giận! Thế mới là Thu). Cho dù Thu đã là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội song Thu chẳng nhận mình là nhà văn, bởi "văn chương huyền ảo lắm", Thu nói. Thu chỉ tự tin với danh xưng nhà báo. Chính báo chí đưa đẩy đã khiến Thu duyên nợ với văn chương.

Làng báo từng biết đến một "Thu Người Đẹp". Thời xuân sắc, Thu đẹp có tiếng. Chẳng thế mà lọt vào ống kính của bao nhiêu nhiếp ảnh gia danh tiếng, không ít lần ảnh Thu được lên bìa báo tết, được dùng quảng cáo sản phẩm bếp gas… Với người mẫu không chuyên thế cũng là "kinh" rồi. Nhưng gọi "Thu Người Đẹp" không thuần để khen Thu đẹp. Thu từng rất nhiều năm làm thư ký tòa soạn của "Người đẹp Việt Nam", một chuyên san nức tiếng của báo Tiền Phong, một ấn phẩm được ví như "gà đẻ trứng vàng" một dạo của tờ báo này, vì độ ăn nên làm ra, thu hút quảng cáo của nó. Thu được giao cầm tờ "Người đẹp Việt Nam" từ thuở mới chân ướt chân ráo về tòa soạn, vẫn còn là một "trái nho xanh" trong mắt người làm báo chuyên nghiệp. "Nho" xanh cứ dần dần chín.

Từ “Thu Người Đẹp” sang... “Thu ngôn tình” - Ảnh 2.

Sách của Võ Hồng Thu.

Đến lúc Thu thấy "gánh" mỗi "Người đẹp Việt Nam" vẫn còn "khỏe" quá, nên "cân" thêm một số ấn phẩm khác, như "Mỹ phẩm" chẳng hạn. Ngay khi đang bụng mang dạ chửa gái út, Thu "gánh" 4 ấn phẩm, vẫn trôi vèo vèo. Sau này, Thu đưa những kinh nghiệm của thời làm thư ký tòa soạn tưng bừng ấy vào việc viết văn. Này nhé, Thu có sẵn file tên nhân vật, file tình huống truyện, file lượm lặt những địa danh thú vị từ dân phượt… Tình huống, chi tiết, nhân vật nào… đã từng được sử dụng thì Thu đánh dấu lại, để lần sau không sử dụng nữa, đỡ "hại não" vì phải nhớ quá nhiều thứ trên đời. Cho nên, truyện của người nọ, người kia có thể bị lặp lại chính mình trong tình huống, chi tiết, còn truyện của Thu thì không. Dù Thu có thể sinh đến 1000 "đứa con tinh thần" thì nhất định không có cặp sinh đôi hay sinh ba mà người đời thường ví von giống nhau như những giọt nước.

Thu sinh năm 1972 nhưng nhiều ứng xử trong cuộc sống của Thu có vẻ lại tương đồng với 8x hoặc trẻ hơn nữa. Thí dụ, Thu thích nghi rất tốt, dịch chuyển công việc không ít lần (song ơn giời, chưa bao giờ chạy ra khỏi làng báo). Hiện Thu phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ của Báo Sức khỏe - Đời sống. Dù ở báo nào, ở tuổi nào, Thu vẫn là "Thu Người Đẹp", dồi dào năng lượng và… mau quên. Tôi nhớ Thu từng trả lời phỏng vấn thế này: "Tôi muốn nói rằng thực ra tôi là người có may mắn là… nhanh quên. Nên những sự thất vọng không hành hạ tôi lâu". Chính vì chẳng có sự thất vọng nào hành hạ Thu lâu nên Thu lúc nào cũng hớn hở. Sự hớn hở khiến cánh mày râu thích thú, muốn làm thân.

Nhà văn Võ Hồng Thu hiện tại.

Võ Hồng Thu là linh hồn của ấn phẩm “Người đẹp Việt Nam” một thời.

Còn đám đàn bà thì chia nhiều phe. Có nhóm yêu thương, quí mến Thu thật thà nhưng không hiếm kẻ ghen tị, hoặc "dìm hàng" Thu là dở hơi, tăng động… Chưa bình minh, đã thấy Thu "khua" facebook: "Thành phố đã ai dậy chưa?", rồi sau đó mời "5000 anh em" đọc một truyện ngắn của mình, ngắm một bức ảnh gợi cảm hoặc của chính mình hoặc ảnh sưu tầm trên mạng. Người thoáng tính và biết đùa thì thích cách chơi facebook của Thu. Người hay "soi" thì bảo Thu "dở hơi" (cũng có lý). Nhưng cái sự "dở hơi" của Thu ngẫm kỹ lại rất được việc. Nếu không tích cực quảng cáo văn chương của mình như thế, chắc gì lượng độc giả của Thu đã đông như hiện tại, khắp từ Nam chí Bắc, từ thành thị tới nông thôn, rồi bây giờ nghe nói Thu có fan ở nước ngoài nữa kìa! Ai tin thì tin.

Không tin thì thôi. Nhưng cứ xem Thu bán sách rào rào trên mạng thì xem ra, nàng cũng sở hữu một lượng fan thật chứ không ảo. Thu vào làng văn, mang theo tinh thần của người làm báo. Hỏi Thu viết văn vì ai? Không như nhiều nhà văn nói: Viết vì chính bản thân mình. Thu thì khác: Tôi viết vì độc giả. Ngay từ tên sách cũng hướng tới độc giả đấy thôi. Thời buổi này tên sách cứ nghiêm nghiêm lấy đâu người đọc? Nhưng đừng vội cười nhạo quan điểm viết văn vì độc giả trước hết, vì mình sau cùng. Nếu bạn quan tâm tới tác giả "Bắt trẻ đồng xanh", J.D. Salinger, hẳn bạn nhớ câu nói của bà: "Nhà văn viết, trước hết chỉ vì một lí do đơn giản là để được đọc". "Để được đọc" chẳng có ý hướng tới độc giả đó sao?

Tôi quen biết một số nhà văn nổi tiếng, song chưa từng thấy ai hồn nhiên khoe sáng tác của mình nhiệt tình như Thu và cũng chưa thấy ai "mắn đẻ" như Thu. Nàng tiết lộ: Mỗi tháng sinh nở 1,2 truyện ngắn là bình thường, có khi còn 3,4 truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn Thu chỉ viết trong khoảng 2 tiếng, khiến cô giúp việc trong nhà cứ tròn mắt mà rằng: "Chữ cứ như có sẵn trong đầu chỉ việc đổ ra". Nhìn Thu viết truyện ngắn có khi người ta muốn bỏ nghề đang làm để thành nhà văn hết, gì mà dễ dàng thế! Nhưng đừng nhìn hiện tượng để đánh giá bản chất. Thu cũng đổ mồ hôi âm thầm đấy! Nàng bật mí: Có lần để thay đổi không gian, Thu cho nhân vật của mình sang Nga. Nhưng Thu chưa từng đến nước Nga, chỉ riêng việc mò mẫm tra giờ bay từ Nga về Việt Nam đã ngốn mất của Thu hai tiếng đồng hồ. Vốn là dân báo chuyển sang văn chương nên Thu không cho phép mình bịa chuyện trên giời, mà bịa phải như thật. Thu cho nhân vật của mình du lịch khắp nơi, hết trong nước lại ra nước ngoài, không ít địa danh Thu chưa từng đặt chân đến. Thế mà những độc giả am tường địa danh lại khen Thu miêu tả như đúng rồi. Bí quyết nằm ở chỗ, Thu thường xuyên lượn vào các trang phượt, đọc ngấu nghiến, không bỏ qua cả phần bình luận lại qua giữa các phượt thủ. Đoạn nào hay, chỗ nào kết thu bê về file của mình để dùng dần. Trạng thái tìm tư liệu phục vụ sáng tác được Thu miêu tả: "Đầy khoái cảm". Độc giả tặng "danh hiệu" nhà văn của văn chương sex thì bảo "vu" cho mình. Nhưng ngay cách nói chuyện đời thường của Thu cũng nhiều lúc làm người ta giật mình vì gợi cảm hơn mức cần thiết.

Từ “Thu Người Đẹp” sang... “Thu ngôn tình” - Ảnh 4.

Từ “Thu Người Đẹp” sang... “Thu ngôn tình” - Ảnh 5.

Nhà văn Võ Hồng Thu hiện tại.

Còn một lí do nữa khiến Thu viết truyện ngắn thuộc hàng "siêu nhanh" là vì Thu toàn viết theo đơn đặt hàng. Từ bấy đến nay đều thế cả. Người đẩy Thu vào mảnh đất văn chương chính là một đồng nghiệp cũng là một người bạn thân thiết của Thu ngoài đời, nhà báo Thạch Hương của báo Phụ nữ Việt Nam. Thạch Hương trước đây cũng làm "Người đẹp Việt Nam" sau đó sang báo Phụ Nữ đảm trách chuyên đề hôn nhân, gia đình. Chính Hương nhờ Thu phụ trách mục chuyện tình: "Sở dĩ những truyện đầu tiên của tôi chỉ có 900-1000 chữ bởi mục chuyện tình hồi đầu có mỗi một trang. Tôi cứ viết chuyện tình giống như truyện ngắn.

Từ tháng 10/2010 tôi chia tay báo Tiền Phong để chuyển sang cơ quan mới, nên quyết định in một cuốn sách làm kỷ niệm. Cuốn "Trà, Cà phê hay là em" chính là tập hợp những chuyện tình đã in trên báo Phụ Nữ, được định dạng thể loại là tập truyện ngắn. Còn cuốn "Gáy mảnh hững hờ" mới ra mắt là nhờ công của nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang. Hồng Thanh Quang khi đó nắm tờ Tinh hoa Việt. Tôi kể với anh rằng tôi có một truyện viết về nhiếp ảnh gia Trọng Thanh, cụ thể là viết về vụ án mà Trọng Thanh là nạn nhân nhưng viết còn non, nên lộ, chẳng báo nào đăng. Anh Quang nói: Đưa đây, anh đăng. Khi tôi đưa cho anh xem thì anh "đặt hàng" luôn: Mỗi tháng viết cho anh hai truyện ngắn. Ròng rã từ năm 2015 đến cuối năm 2019, Thu cộng tác với "Tinh hoa Việt", mỗi năm sinh nở 24 truyện, 5 năm sinh nở hơn trăm truyện, dư thừa để làm cuốn "Gáy mảnh hững hờ".

Cho đến giờ Thu vẫn tiếp tục viết truyện ngắn theo đơn đặt hàng từ một số tờ báo. "Chỉ sợ không có sức mà viết", Thu nói. Không có sức cũng phải thôi. Người đâu cái gì cũng ham thích. Triển lãm hội họa cũng phải ghé xem, chương trình ca nhạc lớn không thể không có mặt… đến hội họp khu phố vô thưởng vô phạt cũng tham gia, còn nhiệt tình livestream trên facebook nữa. "Ai sống cùng thím thì cũng rất căng thẳng thần kinh", nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói đùa về Thu như vậy. Cứ đóng vai kẻ rảnh rang, thế rồi, một ngày đẹp trời lại khoe sắp ra mắt sách, tập hợp mấy anh tài của làng hội họa giúp xử lí cái bìa sách với phần trình bày sách… Đừng tưởng Thu tung hình ảnh chụp với mấy chàng họa sĩ lên facebook chỉ để mua vui. Đã đành mua vui nhưng một cuốn sách được chăm chút từ cái bìa thì hẳn nhiên là một cuốn sách đáng để tò mò. Sách chưa ra mắt, người "đặt gạch" cũng đã ầm ầm một phần vì thế. Cách đây khoảng hai tuần, tôi có lên trang trại của nhà thơ Dương Kỳ Anh ở Sóc Sơn (Hà Nội) chơi. Tôi tò mò hỏi: Vì sao anh lại gọi Thu là "gái hư"? Dương Kỳ Anh cười lớn, nhắc tôi đừng hiểu "gái hư" theo nghĩa đen: "Thu xinh đẹp và thông minh hiếm thấy", "sếp" một thời của Võ Hồng Thu tổng kết.