Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Từng nghèo nên càng thương người nghèo, người phụ nữ Tây Ninh giúp nhiều nông dân đổi đời

Mỗi lần lên tỉnh Tây Ninh, tôi đều được nghe kể về tấm gương chăm lo cho người nghèo với phương châm "Không để người nghèo bị bỏ lại ở lại phía sau" của một phụ nữ làm công tác Hội Nông dân. Tấm gương ấy là chị Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội nông dân (HND) xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

TỪNG NGHÈO NÊN CÀNG THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO

Chị Có sinh ra và lớn lên ở quận 11, TP. HCM. Anh Khái - chồng chị thì sinh ở huyện Cần Đước (Long An). Đầu những năm 80 (thế kỷ 20), chàng thanh niên Khái từ vùng nước mặn miền hạ lên thành phố kiếm việc làm. Trong cuộc mưu sinh đầy gian truân, họ gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Sau khi sinh hai mặt con, thấy cuộc sống lúc ở thành phố, lúc về miền hạ vô vàn cực nhọc, năm 1996, vợ chồng chị Có đưa hai con nhỏ cưỡi xe đò nhắm hướng hồ Dầu Tiếng trực chỉ. 

Chị kể: "Ngày vợ chồng mới đến đất Phước Ninh, đồng ruộng còn hoang sơ, nghe kể chuyện thời chiến tranh đất bị bom pháo và chất độc khai quang cày xới, tưởng tượng cảnh chết chóc, sợ lắm. Mình từ đô thành lên, thước đất chọi chim không có, nghèo đố đế!". Lúc ấy, một gia đình người thân lên lập nghiệp từ trước giang vòng tay cưu mang giúp gia đình chị nơi ở tạm. Chị cùng chồng nai lưng làm mướn. Mùa thu hoạch mì (sắn), nhổ củ mì. Mùa thu hoạch bắp, bẻ bắp. Hết nhổ mì, bẻ bắp quay sang xáo cỏ, trồng rau mướn... Nghỉ làm mướn một ngày là cạn tiền đong gạo, thiếu tiền mua sách bút cho các con đi học. Có tiền làm mướn lại biết chi tiêu dè xẻn, vợ chồng chị Có tích cóp mua được 500m2 đất thổ cư cặp con lộ nối tử trung tâm xã Phước Ninh lên thị trấn Dương Minh Châu đủ cất được căn nhà cấp bốn; phần đất còn lại trồng rau màu, ăn không hết thì đưa ra chợ bán. Nhớ lại thuở hàn vi, chị Có nói: "Mình từng trải qua nghèo khổ mới thương người còn nghèo khổ như mình!".

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

TỪ TẠO VỐN GIÚP NGƯỜI NGHÈO...

Năm 2007, chị Lâm Thị Có được bầu làm Phó Chủ tịch HND xã Phước Ninh. Trong khi làm công tác HND ở một xã căn cứ Cách mạng của chiến khu Dương Minh Châu, chị Có nổi danh "Người vác tù và hàng tổng". Chị thông tin: Hầu hết nông dân nghèo ở xã Phước Ninh đều thiếu việc làm, lại không có vốn đầu tư phát triển sản xuất nên việc xóa nghèo càng khó khăn!". 

Chị đưa chúng tôi đến nhà anh Ba Dẫn ở ấp Bầu Dài. Nhà Ba Dẫn thuộc hộ nghèo, bản thân anh khiếm thị nhưng lại có tài chơi các loại đàn dây. Hàng ngày, Ba Dẫn ra ngã ba đường đón xe đò lên huyện biên giới Tân Châu bán vé số dạo. Trong lúc bán vé số, Ba Dẫn chăm chú nghe nông dân vùng biên giới bàn chuyện nuôi rắn và ếch Thái mà xóa được nghèo, có người còn làm giàu từ ếch, rắn. Về nhà, anh tìm gặp chị Lâm Thị Có trình bày nguyện vọng muồn được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để vợ con anh xây bể nuôi ếch, nuôi rắn mà anh "nghe lóm" cách nuôi của nông dân vùng biên giới huyện Tân Châu khi đi bán vé số dạo. Cảm phục ý chí xóa nghèo của Ba Dẫn, chị Có bảo lãnh giúp Ba Dẫn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH. 

Có vốn, Ba Dẫn chỉ cách cho vợ và các con xây hồ nuôi và mua con giống mà anh "học lóm" khi đi bán vé số ở vùng biên giới huyện Tân Châu. Hàng ngày, anh vẫn nhảy xe đò lên biên giới bán vé số, tối về dạy đàn ghi ta phím lõm, đàn cò cho mấy môn sinh trong Câu lạc bộ đàn ca tài tử của Hội Nông dân xã Phước Ninh mà còn có cả "học trò " xã bạn. Thấy Ba Dẫn nuôi ếch, nuôi rắn hiệu quả, chị Có tiếp tục bảo lãnh để anh vay thêm 10 triệu đồng vốn Qũy Hỗ trợ nông dân (QHTND) mở rộng diện tích hồ nuôi, mua thêm con giống và thức ăn chăn nuôi. "Năm 2019, Ba Dẫn xóa xong nghèo, hoàn trả các nguồn vốn vay, mới cất nhà khang trang", chị Có không dấu niềm vui trước hình ảnh người Hội viên nông dân nghèo của mình đã đổi đời.

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Ấp Phước An ở xã Phước Ninh là nơi tập trung bà con Việt kiều nghèo từ Cămphuchia hồi hương, hàng ngày bám mặt hồ Dầu Tiếng khai tác thủy sản. Không đứng ngoài nhìn bà con loay hoay tìm kế mưu sinh, chị Lâm Thị Có bàn với chị Nguyễn Thị Kim Phụng - chủ một cơ sở sản xuất nhang và là Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Phước An, gợi ý chị Phụng thành lập "Tổ hợp tác sản xuất nhang" (THTSXN) tạo việc làm cho gần 100 hộ ở ấp Phước An và xã Phước Ninh tham gia, trong đó phần lớn là bà con Việt kiều từ Camphuchia về. 

Để các thành viên THTSXN có phương tiện sản xuất, chị Có đề xuất với HND xây dựng Dự án "Hỗ trợ máy xe nhang đạp chân" từ nguồn vốn Qũy quốc gia Giải quyết việc làm hỗ trợ các thành viên trong THTSXN, trong khi chị Nguyễn Thị Kim Phụng cung cấp nguyên liệu làm nhang và bao tiêu sản phẩm cho tổ viên. Dự án được các Sở LĐ-TB&XH, NNPTNT và UBND huyện Dương Minh Châu ủng hộ 130 máy xe nhang đạp chân trị giá 500 triệu đồng không hoàn lại cho các hộ nghèo trong THTSXN. Chị Nguyễn Thị Kim Phụng tâm sự: "Nếu chị Có không chủ động giúp tôi thành lập THTSXN và xây dựng Dự án thì cơ sở sản xuất nhang của tôi không được như ngày nay, bà con nghèo cũng không có việc làm để xóa xong nghèo".

... ĐẾN LO MÁI ẤM CHO NGƯỜI NGHÈO

Cách nay 6 năm, một bộ phận nông dân nghèo xã Phước Ninh sống chen trong tiểu khu 65 rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng. Đây là tụ điểm của nạn cờ bạc, nhậu say, đánh lộn xảy ra như cơm bữa. Nguy cơ rừng bị hủy hoại trở thành ám ảnh của chính quyền. Năm 2014, xã Phước Ninh quyết định di dời toàn bộ số hộ sống trong tiểu khu 65 rừng phòng hộ đến khu tái định cư phía đông nam rừng phòng hộ. Để đưa họ ra khỏi rừng cần phải có tiền xây nhà giúp hơn chục hộ nghèo an cư.

Trong đầu chị Lâm Thị Có lóe lên ý tưởng "Nhà mái ấm nông dân". "Người vác tù và hàng tổng" Lâm Thị Có lại cưỡi xe máy lên thành phố Tây Ninh tìm doanh nhân Trà Hoàn Ngọc - Bảy Nga; xuống quận 4 (TPHCM) kiếm sư trụ trì chùa Đức Quang; kiến nghị Đảng ủy xã vận động đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị Phước Ninh chung tay xây "Nhà mái ấm nông dân". Tổng số tiền ủng hộ lên 420 triệu đồng, xây dựng 14 căn "Nhà mái ấm nông dân" tặng 14 hộ nghèo. Ông Nguyễn Tấn Trường, bà Hồ Thị Định quê Bến Tre lên Phước Ninh mấy chục năm ròng vẫn không có mái nhà trú thân, lấy tán rừng phòng hộ tá túc. 

Năm 2014, bà Định và ông Trường đều được trao "Nhà mái ấm nông dân". Ngồi trước hiên "Nhà Mái ấm nông dân", bà Định nắm tay chị Có, nói: "Nếu không có cô, thân già này và năm đứa con làm sao có mái nhà!". Ông Nguyễn Tấn Trường sắp bước sang tuổi "bát thập" vì nghèo nên không lấy được vợ. Cuối đời, ông không chỉ có "Nhà mái ấm nông dân", hàng tháng còn được "Hủ gạo tình thương" do HND xã Phước Ninh phát động nông dân nuôi dưỡng người có hoàn cảnh cô đơn. Mắt ngấn nước, ông Trường xúc động: "Nay dù có nhắm mắt, tôi cũng được nằm dưới mái nhà của mình!".

Ôn lại những việc mình đi "Vác tù và hàng tổng", chị Lâm Thị Có tâm sự: "Tôi thấm thía lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông nói: "Không ai được bỏ lại phía sau" để áp dụng trong việc chăm lo cho người nghèo.