Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông Gianh gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Đặc biệt nhất là đoạn bờ sông tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Sạt lở đã vào đến chân cầu thang, nhiều ngôi nhà đang bị “treo” lơ lửng, nguy cơ đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.

Sạt lở nghiêm trọng

Có mặt tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa vào sáng 7/9, chúng tôi bàng hoàng khi chứng kiến cả một đoạn bờ sông dài hơn 100m bị sạt lở, kéo theo mái hiên cùng nhiều vật dụng của các hộ gia đình.

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông - Ảnh 1.

Sạt lở nghiêm trọng tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Điểm sạt lở tạo thành một bờ dốc thẳng đứng ngay sát chân tường nhà ông Mai Tân, băng qua sân nhà anh Mai Lượng, làm sập mái hiên nhà anh Mai Trung rồi lan sang hai bên, ảnh hưởng trực tiết đến 8 hộ gia đình. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên mép sông không còn ai dám ở.

Người dân ở đây cho biết, từ sáng 6/9 đã xuất hiện một vệt nứt kéo dài theo bờ sông, nhận định chắc chắn bờ sông sẽ sạt lở nên đã di dời một số vật dụng đến nhà khác.

Anh Mai Trung, nhà có mái hiên bị sạt lở cho biết: Khi thấy xuất hiện vệt nứt đã báo với chính quyền địa phương. Trong ngày 6/9, một số cán bộ huyện và xã đã về kiểm tra, khuyên người dân tạm di dời sang chỗ khác ở nhưng không ngờ lại sạt lở nhanh đến thế. Khoảng 20 giờ nghe thấy tiếng rào rào rồi cả đoạn bờ sông đổ ụp xuống, tôi ra xem thì thấy phần đất bị lở thấp hơn nền nhà khoảng 2m, mái hiên cũng bị cuốn theo.

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông - Ảnh 2.

Sạt lở vào tận chân tường.

Ngay trong đêm 6/9, các hộ dân có nhà nằm gần điểm sạt lở đã di chuyển người và tài sản quan trọng sang các nhà khác trong thôn. Sáng nay (7/9), lãnh đạo huyện Tuyên Hóa và xã Đức Hóa cũng đã có mặt tại điểm sạt lở để chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho người dân.

Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: "Trước mắt phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các hộ có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Giải pháp hiện nay là bố trí các gia đình đến ở nhờ nhà bà con, anh em. Còn lâu dài phải báo cáo lên cấp trên xin hướng giải quyết, không thể để người dân sống bên mép sông như thế này nguy hiểm lắm".

Sạt lở bờ sông tại xóm Kinh Trừng, xã Đức Hóa có chiều dài hơn 100m, điểm sâu nhất tính từ mặt sông vào 20m, độ cao gần 15m. 8 hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, gồm: Mai Tân, Mai Trung, Mai Lượng, Mai Minh, Mai Thuyết, Mai Trọng, Mai Thị Hóa và Phạm Quang Trung.

Hiện, cả người dân và chính quyền địa phương đang hết sức lo lắng khi mùa mưa lũ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở còn có thể tiếp diễn.

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông - Ảnh 3.

Ngay hiên nhà.

Không thể an cư

Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: xóm Kinh Trừng có 86 hộ, 336 khẩu, 100% là bà con Công giáo. Trước đây, người dân Kinh Trừng sống ở bên kia sông. Do địa hình thấp lụt nên địa phương có chủ trương di dời bà con đến nơi ở mới an toàn hơn. Lúc đó cũng bố trí nhiều chỗ, trong đó có địa điểm tại thôn Cồn Cam hiện nay nhưng bà con không đồng ý. “Họ là người sông nước, quen cuộc sống trên bến, dưới thuyền nên chỉ muốn ở gần sông để làm nghề, buôn bán thuận tiện.”, ông Trường cho hay.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Trưởng thôn Đức Phú 1 cũng cho biết: “Người dân Kinh Trừng có người làm nghề mộc, nghề thợ xây rồi đi làm thuê làm mướn khắp nơi, nhưng chủ yếu vẫn là nuôi cá lồng bè và chài lưới trên sông. Nghề nghiệp quen rồi nên không bám sông là không sống nổi, lên ở trên cao thì biết lấy gì mà ăn”.

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông - Ảnh 4.

Nhà dân chênh vênh bên mép sông.

Bởi vậy, năm 1998, người dân Kinh Trừng mới chọn vùng đất này để lập nghiệp một lần nữa. Tuy những năm lụt to cũng ngập nhà nhưng vẫn còn cao hơn chỗ cũ, cuộc sống vì thế cũng đỡ vất vả hơn. Người dân Kinh Trừng sống "Kính Chúa yêu nước", thôn xóm bình yên, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng xóm đạo, họ đạo tiên tiến của cả tỉnh. Thế nhưng, bờ sông cứ mỗi năm lở thêm một ít, người dân Kinh Trừng lo lắng rồi đây sẽ không còn đất để ở.

“Hiện nay, đất đã chật lắm rồi, nhà cửa cứ sát nhau mà con cái thì nhiều, lở thêm nữa thì không biết đi đâu.”, Trưởng thôn Phạm Ngọc Thuận lo lắng.

Theo ông Mai Tân thì ngày trước đến ở đây ông xây nhà cách bờ sông chừng 30m, bây giờ bờ sông đã vào tận móng nhà. Lở mạnh nhất là từ khi xây kè ở phía đầu làng, phía dưới chưa xây nên nước sông tập trung xói vào đoạn này.

Tuyên Hóa: Sạt lở nghiêm trọng, nhà dân chênh vênh bên mép sông - Ảnh 5.

Người dân di chuyển đồ đạc.

Theo người dân ở đây thì dự án xây kè bờ sông được lập cho cả xóm Kinh Trừng và thôn Đức Phú 2 nhưng không hiểu sao chỉ xây được gần 200m ở phía đầu làng rồi dừng lại.

“Hồi trước giải phóng mặt bằng toàn tuyến, chúng tôi nhận tiền đền bù hết rồi, họ đưa máy móc, phương tiện đến phá hết cây cối dọc bờ sông để làm kè nhưng nay lại dừng lại không làm nên nước xói càng mạnh hơn.”, một người dân nói.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Đức Trường cho biết: Điều kiện kinh tế ở Kinh Trừng còn khó khăn, bây giờ di dời đi chỗ khác cũng không có tiền mua đất, làm nhà. Hơn nữa, đặc trưng nghề nghiệp thế rồi, chỉ quen với sông nước nên giải pháp tốt nhất là xây kè chống xói lở để bà con yên tâm sinh sống. Đó cũng là nguyện vọng của bà con ở đây, nhưng nguồn vốn quá lớn nên xã cũng chỉ biết đề nghị lên các cấp xem xét.

Người dân xóm Kinh Trừng thôn Đức Phú 1 và thôn Đức Phú 2 nói riêng cũng như xã Đức Hóa nói chung mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm, cho xây kè chống xói ở để người dân an cư lạc ngiệp.