Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyển sinh 2023: Không chính kiến, chọn sai nghề, hậu quả khó lường

Nhờ người khác quyết định hộ hoặc chọn nghề vì ai đó là một trong những thực trạng định hướng nghề nghiệp của học sinh hiện nay, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Chọn sai nghề vì thiếu đi chính kiến riêng

Không thể phủ nhận, hướng nghiệp là bước đi quan trọng đầu tiên, giúp bạn nhanh chóng chạm tới thành công trong tương lai từ sự nghiệp cho đến cuộc sống đời thường. Theo các chuyên gia, lựa chọn nghề nghiệp là một phần của cuộc sống. Sai lầm trong lựa chọn có thể gây ra những hệ lụy như: Thất nghiệp, không phát triển nghề nghiệp, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc…

Theo khảo sát của một Trung tâm dự báo nhân lực, năm 2019, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của bản thân trong việc lựa chọn ngành, trường theo học.

Có nhiều nguyên do khiến bạn lâm vào tình trạng trên như chưa hiểu rõ về mình, không nắm bắt được nhu cầu xã hội trong tương lai… Đặc biệt hơn, giới trẻ hiện lựa chọn nghề không phải cho bản thân mà chỉ vì người khác như: Chọn ngành nghề vì gia đình, bạn bè và số đông. Do vậy, việc không có chính kiến và sự lựa chọn riêng khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục phụ huynh để bản thân được thực hiện đúng nguyện vọng. Do đó, bạn cần phải làm chủ cuộc sống và biết chịu trách nhiệm cho những điều mình làm

Chọn ngành nghề vì bạn bè: Đây là một thực trạng định hướng nghề điển hình và phổ biến của nhiều học sinh THPT. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hẳn bạn có một vài bằng hữu chí cốt khó tách rời và mong muốn làm gì cũng có nhau. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc học sinh chọn ngành, chọn trường nào đó chỉ để được theo cùng bè bạn mà không quan tâm đến những khó khăn vấp phải trong quá trình học và tiếp cận cơ hội việc làm tương lai.

Chọn ngành nghề theo số đông: Ở những năm trước đây, ngân hàng được biết đến là một trong các ngành “hot” với mức lương “khủng” nên có rất nhiều bạn chọn và đăng ký học. Hậu quả là thừa cử nhân, làm việc trái chuyên môn và thậm chí một số sinh viên nhận ra đây không phải công việc bản thân yêu thích để theo đuổi lâu dài. Vì thế, bạn đừng vội “cắm chốt” ngay một ngành nghề nào đó chỉ vì nhiều người chọn mà hãy cân nhắc kỹ càng những yếu tố như sở thích, tính cách, năng lực của bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội…

 

Hậu quả xảy ra khi chọn sai ngành

Câu nói “chọn sai ngành học, chết nửa cuộc đời” thật sự không sai, do đó, định hướng nghề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một bước đi sai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường như: Một số bạn bỏ phí nhiều năm chỉ để học ngành mà cha mẹ, thầy cô mong muốn hoặc theo xu hướng hiện tại. Kết quả là đánh mất thời gian quý báu, có bằng nhưng không sử dụng được. Theo đó, phần lớn học sinh, sinh viên đều khát khao quay trở lại thời điểm chọn nghề để có thể đưa ra quyết định về ngành phù hợp với niềm yêu thích, năng lực của bản thân cũng như vào đúng trường đào tạo.

Bên cạnh việc bỏ lỡ thời gian, chất xám cũng là yếu tố bị lãng phí nhiều khi lựa chọn sai ngành. Trong 3 – 4 năm đào tạo tại trường, bạn phải tập trung toàn bộ trí óc để tiếp thu, ghi nhớ kiến thức; ôn tập cho các bài thi giữa kỳ, kết thúc học phần cũng như thực tập và hoàn thành khóa luận. Sau khi ra trường, nhiều sinh viên “cất bằng vào tủ” mà đi làm công nhân hoặc tài xế của những ứng dụng chạy xe công nghệ.

Cần làm gì để chọn đúng nghề?

Để tránh những hậu quả đáng tiếc trên, khi lựa chọn ngành nghề, học sinh cần lưu ý: Bạn nên nghiên cứu tin tức xét tuyển mới nhất thông qua cẩm nang tuyển sinh, một số kênh tham khảo uy tín để tìm hiểu ngành nghề và nội dung đào tạo của các trường.

Học sinh cần nắm bắt tình hình thị trường lao động hiện nay, xu hướng nghề nghiệp tương lai trong nước. Sau đó, bạn hãy nghiên cứu thông tin về ngành mình chọn; đồng thời, so sánh với những công việc khác và dự đoán nhu cầu sử dụng nhân lực trong 3 – 4 năm tới.

Các bạn nên chọn ngành dựa theo ưu điểm nổi trội và tính cách của bản thân. Như vậy, người học mới thực sự có đủ năng lực và động cơ để vượt qua những khó khăn và tiếp tục theo đuổi đam mê, ước vọng.

Hãy cân nhắc học phí của các chương trình đào tạo để xác định chúng có thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình hay không. Ngoài ra, người học cũng nên tham khảo thông tin về cơ sở vật chất, hoạt động sinh viên, chất lượng giảng dạy... của trường để có thể chọn lựa cho mình một nơi trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt nhất.

Có thể thấy, việc chọn nghề cho bản thân là một trong các bước quan trọng đối với cuộc đời của mỗi chúng ta. Do đó, hãy luôn sáng suốt khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, từ ngành học, cơ sở đào tạo đến những điều cần làm trên ghế nhà trường.

Cha mẹ, thầy cô sẽ là những người đồng hành, nhà tư vấn tuyệt vời, đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho bạn. Tuy nhiên, học sinh cũng không nên quá phụ thuộc vào họ để rồi đánh mất đi chính kiến, suy nghĩ, sự chọn lựa của bản thân.