Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới cần đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

(Dân sinh) - Tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong cuộc sống gia đình, ứng xử trong xã hội, góp phần vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội.

Tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới cần đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội - Ảnh 1.

Trường THCS Nguyễn Thị Hương, huyện Nhà Bè tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới cho 1.000 học sinh.

Đàn ông cũng cần được bình đẳng giới

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển thì bình đẳng giới là một lĩnh vực trong đời sống xã hội và gia đình cần được pháp luật bảo vệ với mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ. Cùng với bình đẳng giới thì bạo lực gia đình là một trong những hành vi bị nghiêm cấm về bình đẳng giới trong gia đình để phát triển mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và gia đình.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Theo quy định tại khoản 2, điều 1 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 thì Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo luật bình đẳng giới năm 2016 theo quy định tại khoản 3 điều 10 bao gồm: Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; Bạo lực trên cơ sở giới; Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nam hay nữ đều có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình hay bị quấy rối tình dục".

Nguyên nhân của bạo lực gia đình là do nhận thức, hiểu biết, tuân thủ quy định của pháp luật của người thực hiện hành vi. Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, luật sư Quỳnh Như cho biết thêm.

Làm gì để bảo vệ bản thân?

Khi bị quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, phụ nữ cần báo cho gia đình, cơ quan Nhà nước như Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền liên quan để có biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời.

Tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới cần đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội - Ảnh 3.

Thông điện: Nam giới hãy tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ va tre em

Luật sư Nguyễn Đức Trí, đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: Theo quy định tại Điều 42 luật bình đẳng giới năm 2016 về "Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới": Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

"Để bảo đảm bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình, mọi công dân cần tuân thủ theo quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức, hiểu biết về bình đẳng giới; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình".

Cần được xây dựng ngay từ khi còn nhỏ

Cái nền tảng đầu tiên là phải từ giáo dục ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cần phải dậy cho các bé trai phải tôn trọng các bé gái và phải hiểu rằng các bạn gái là phải yếu, khi chơi đùa với nhau cần nhẹ nhàng, không bạo lực, việc dạy dỗ tính cách của một đứa trẻ cần quan một quá trình dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Qua đó, khi trưởng thành sẽ hiểu rằng vai trò của mình là phải che chở bảo vệ cho phụ nữ chứ không phải làm những điều không tôn trọng phụ nữ, làm những điều mà phụ nữ không thích, làm những cái điều mà phụ nữ không muốn. Bên cạnh đó, cần phải dạy cho các bé có nhận thức sớm và đúng về vấn đề giới tính ngay từ khi còn bé, từ khi ở trong ghế nhà trường, để giúp cho có sự nhận thức, hành vi đúng đắn, biết được ranh giới, giới hạn nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, gia đình là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một xã hội bình đẳng giới trong tương lại. Trong gia đình, mặc dù phụ nữ là phái yếu thì phải được che chở, bảo vệ nhưng dù là nam hay nữ cũng cần sự tôn trọng, phải lắng nghe những suy nghĩ của đối phương, chia sẻ.

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.

Các giải pháp để đạt mục tiêu bình đẳng giới 2019 với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em"

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, của toàn xã hội

Thứ hai, tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, trường học, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ.

Thứ ba, đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động, việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường các hoạt động tập huấn để các loại tài liệu tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động và cơ quan, đơn vị, trường học. Tạo điều kiện phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ, trên cơ sở này sẽ giúp cả giới nam và giới nữ xóa bỏ những tư tưởng phong kiến, lạc hậu ăn sâu trong tâm trí cán bộ, nhà giáo, người lao động, tạo điều kiện cho bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Thứ tư, phải có sự phối kết hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Thứ năm, đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.

Thứ sáu, chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới.