Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 67%

(Dân sinh) - Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,21% ; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 67%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 2022, thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung cho các hoạt động hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm.

Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các tổ chức quốc tế khác về lĩnh vực lao động, việc làm. Tổ chức Hội nghị về phát triển thị trường lao động vào ngày 20/8/2022 với chủ đề: “Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Thực hiện các giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực;

Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra ở một số ngành, địa phương sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Thị trường lao động phục hồi tích cực, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,5% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, tăng 4,5%; khu vực dịch vụ là 19,7 triệu người, tăng 6,1%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng so với năm trước.

Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đã mang lại hiệu quả tích cực. Tăng cường hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm[1].

Tuy nhiên, từ đầu quý IV đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm; tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là 637.491 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp).

Trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cắt giảm việc làm của người lao động, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, cố gắng hạn chế thấp nhất việc sa thải lao động; có phương án sắp xếp, bố trí lại lao động, giãn việc, giảm giờ làm hoặc thực hiện phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với người lao động theo quy định;

Các cơ quan lao động địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, chủ động nắm bắt tình hình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động;

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm xây dựng phương án sử dụng lao động và kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định; chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người mất việc làm; phối hợp với tổ chức công đoàn hỗ trợ các bên đối thoại, chia sẻ khó khăn; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.

Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động;

Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại 06 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh);

Chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực theo các ngành, lĩnh vực. Qua khảo sát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác vẫn cao, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề vẫn đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, đây là cơ hội việc làm cho người lao động ở những tháng cuối năm.

Tính chung cả năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%, khu vực nông thôn là 2,03%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%, khu vực nông thôn là 2,03%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 67%.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình bệnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước dần khôi phục lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt các chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động, thủ tục xét nghiệm, cách ly đối với người lao động mới sang làm việc; hướng dẫn doanh nghiệp trong các khâu tuyển chọn, đào tạo, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với diễn biến dịch bệnh và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại.

Thúc đẩy đàm phán với các nước tiếp nhận lao động để ký kết Thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động. Tăng cường công tác tạo nguồn, đào tạo và triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở nước ngoài và thúc đẩy hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng về nước, nhằm phát huy tay nghề, kinh nghiệm của người lao động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Trong năm 2022, cả nước đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 48.835 lao động nữ)[7], vượt mục tiêu đề ra.