Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ủng hộ giảm giá điện, nhưng EVN không được gây áp lực tăng giá năm sau

(Dân sinh) - Bộ Tài chính ủng hộ giảm giá điện hỗ trợ vì Covid-19 nhưng cơ quan này lưu ý, “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) EVN cần tính toán phương án tài chính để tránh lỗ và treo lại các khoản lỗ này gây áp lực tăng giá trong năm 2021", Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.


Sáng ngày 10/4, diễn ra hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.

Đây được coi là hội nghị “4 trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19, đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Ủng hộ giảm giá điện, nhưng EVN không được gây áp lực tăng giá năm sau - Ảnh 1.

Điểm cầu Bộ Tài chính

EVN cần tính toán không để lỗ treo

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này đồng ý với đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng của EVN.

Theo ông Dũng, điện thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp.

Các mức đề xuất lần này giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, như vậy sẽ làm giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này so với kế hoạch.

Vì thế, Bộ trưởng Tài chính lưu ý, EVN phải cân đối, không để lỗ treo, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.

"EVN cần tính toán phương án tài chính để tránh lỗ và treo lại các khoản lỗ này gây áp lực tăng giá trong năm 2021", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh và đề nghị, EVN rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào. Số liệu sơ bộ cho thấy, giá dầu giảm kéo theo giá khí giảm sâu 46%.

Trước đó, theo phương án đề xuất ngày 1/4, EVN kiến nghị giảm 10-100% cho một số đối tượng bị tác động bởi Covid-19 trong 6 tháng với tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phương án của Bộ Công Thương, giá điện giảm 10-20% trong 3 tháng (tháng 4-7), tổng mức hỗ trợ 11.000 tỷ đồng.

Ước số tiền hỗ trợ khách hàng sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng

Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện gặp khó khăn do dịch Covid-19 như đề xuất tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 1/4/2020.

Đây là kết luận tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 liên quan đến đề xuất giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ 1/4 - 1/7/2020) mà Bộ Công thương đã đệ trình tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, diễn ra ngày 1/4/2020.

Số tiền được Bộ Công thương tính toán sẽ giảm trong lần này lên tới gần 11.000 tỷ đồng, tương ứng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm doanh thu 11.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, với 2 nhóm đối tượng sản xuất và kinh doanh, mức hỗ trợ này là 2.034,6 tỷ đồng/tháng và trong 3 tháng lên tới 6.104 tỷ đồng. Ưu điểm của Phương án này là tất cả các khách hàng sản xuất bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ này đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, nghĩa là dưới 300 kWh tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng.

Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid.

Với cơ sở lưu trú du lịch hiện đang thuộc nhóm đối tượng "kinh doanh dịch vụ", Bộ Công Thương cũng đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất và đề xuất áp dụng từ tháng 4/2020.

Ước tổng số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch từ tháng 4 năm 2020 là 1.840 tỷ đồng.

Trước đó, EVN đã đề nghị miễn, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid từ tháng 4 đến tháng 6/2020 với tổng số tiền ước khoảng 100 tỷ đồng.

Khó khăn gấp đôi, chúng ta cố gắng gấp ba

Sau khi nghe các ý kiến, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quyết tâm chống dịch, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc để không lây nhiễm trong cộng đồng. Song ông lưu ý, "không ngăn sông cấm chợ", không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất…

"Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba", Thủ tướng bày tỏ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tăng trưởng quý I đạt 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm.

"Chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn", Thủ tướng nói và đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.

Theo đó, phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân; xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm vì "có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm".

"Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội", ông nói.

Thủ tướng giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.