Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ứng phó với bão số 9: Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm

(Dân sinh) - Bản tin cập nhật 5h ngày 28/10 của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết: Đến 5h sáng 28/10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu/368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (giảm 46 tàu/300 lao động so với thời điểm 23h/27/10).

Hồi 04h/28/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 305 km, cách Quảng Nam 240 km, cách Quảng Ngãi 200 km, cách Phú Yên 195 km; gió cấp 13, giật cấp 16.

Về gió, dự báo (không thay đổi so với 23h/27/10): Từ Đà Nẵng – Bình Định: cấp 11-13, giật cấp 15. Từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên: cấp 8-10, giật cấp 12. Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10.

Ứng phó với bão số 9: Toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9.

Qua thực đo, tại Quảng Ngãi: Lý Sơn cấp 9, giật cấp 11, Bình Châu gió cấp 8, giật cấp 9. Tại Quảng Trị: Cồn Cỏ cấp 7 giật cấp 9. Tại Quảng Nam: Cù Lao Chàm cấp 4, giật cấp 7. Tại Đà Nẵng: cấp 3. Tại Bình Định: An Nhơn cấp 4. Các nơi khác gió dưới cấp 4.

Dự báo lượng mưa không thay đổi so với dự báo 23h/27/10, từ 28 - 29/10, từ TT.Huế - Phú Yên mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt. Từ 28-31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt. Quảng Bình - Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt.

Từ 19h00 ngày 27/10 đến 4h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 50-150mm, riêng Quảng Ngãi có nơi mưa trên 200mm một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 223mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) 211mm, Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 154mm, Tam Trà (Quảng Nam) 139mm. Sóng và nước dâng từ 7,5 – 9,5m vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên.

Đến 05h/28/10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu/368 LĐ đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (giảm 46 tàu/300 LĐ so với 23h/27/10).

Tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10 tại khu vực 12 độ 43 phút vỹ Bắc, 111 độ 27 phút kinh Đông, cách bờ Phú Yên 330km về phía Đông. Tàu BĐ97469-TS/14 LĐ bị chìm tại 12 độ 17 phút vỹ Bắc, 112 độ 08 phút kinh Đông, cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km. Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các địa phương từ Thừa Thien Huế - Bình Định cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ PCTT.

Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đăk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ (dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định); Lưu vực sông Hương: Hương Điền: 53,57/58m; Bình Điền: 77,64/85m, Tả Trạch: 35,92/45m, các hồ tiếp tục xả để hạ thấp mực nước; hồ Kẻ Gỗ: 29,17/32,5, Qxả = 250m3/s.

Theo thống kê ban đầu, ngoài 2 tàu bị chìm của Bình Định, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác.

Các công việc cần triển khai tiếp theo, Đối với trên biển: Tìm kiếm cứu nạn 02 tàu bị chìm của Bình Định. Kiên quyết kêu gọi 46 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố. Tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.

Đối với đất liền: Chuẩn bị chuyến thị sát của đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng – Phó trưởng ban thường trực vào sáng ngày 28/10/2020. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền. Rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét. Lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh,...)

Tăng cường công tác truyền thông, nắm bắt và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn qua thông tin từ người dân qua hệ thống tin nhắn, Zalo, Facebook,... Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế,... Tập trung công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường ngay sau khi bão tan. Theo dõi, giám sát và vận hành hệ thống hồ chứa hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du.