Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

(Dân sinh) - Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo.

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.

Tại hội thảo khoa học nhằm cập nhật thông tin và những giải pháp mới hỗ trợ điều trị, phòng ngừa ung thư phổi do Bệnh viện K tổ chức, các chuyên gia của Bệnh viện K thông tin: theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Việt Nam cũng là một trong những đất nước nằm trong các khu vực này. 

80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.

Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong hệ thống gen và tác động bên ngoài môi trường.

Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị - Ảnh 1.

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống của bệnh ung thư phổi trên 5 năm gần 45%

Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

"Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

"Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi." – TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện  cho biết

Môi trường làm việc: là yếu tố cũng tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than, bụi kim loại.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư phổi

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Các phương pháp điều trị ung thư phổi

Phẫu thuật loại bỏ khối u

Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân  cần có thể trạng tốt để phẫu thuật, có khoảng 25-30% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.

Điều trị tia xạ

Phương pháp này được áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân. Mục đích là tiêu diệt và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư khi còn khu trú tại vùng và chưa di căn xa. Đối với những khối u lớn thì xạ trị làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này có thể kéo dài đời sống của bệnh nhân và giữ vai trò bổ trợ.

Điều trị hóa chất

Đối với ung thư phổi, tỉ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hoá chất lên tới 80-90%. Hoá chất  thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hoá chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.

Điều trị đích

Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, hoặc bệnh nhân tái phát, di căn sau các phương pháp điều trị cơ bản.

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống của bệnh ung thư phổi trên 5 năm gần 45%

Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%. 

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. 

Quan trọng nhất là chúng ta cần ý thức được việc khám tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư phổi. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng.

Khuyến cáo

Các chuyên gia Bệnh viện K cho hay yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận đông, tập luyện thể thao đều dặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.